Ngày 1-2, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận về chủ trương điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô tại Thông báo số 52/TB-VPCP. Thủ tướng chỉ đạo: “Đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô của dự án lọc dầu Vũng Rô lên 8 triệu tấn/năm như đề nghị của tỉnh Phú Yên và Bộ Kế hoạch - Đầu tư; đồng ý nguyên tắc việc điều chỉnh địa điểm của dự án (bao gồm cả cảng chuyên dụng). UBND tỉnh Phú Yên chịu trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch mặt bằng, bố trí đất đai, giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng đất của dự án phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan”.
Bản đồ tổ chức không gian cảnh quan Khu Công nghiệp Hòa Tâm và cảng biển nước sâu Bãi Gốc
Địa thế đẹp, cơ sở hạ tầng thuận tiện
Kết luận này một lần nữa chứng tỏ sự đầu tư đúng hướng, tầm nhìn chiến lược của nhà đầu tư là Công ty CP Hiệp Hòa Phát đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Hòa Tâm. Đó là phát triển KCN hoàn chỉnh tập trung vào ngành công nghiệp năng lượng và hóa dầu. Từ đó, các doanh nghiệp trong KCN có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn.
Dự án KCN Hòa Tâm được Ban Quản lý khu kinh tế Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 26-11-2010 gồm 3 khu: KCN lọc hóa dầu Hòa Tâm (1.080 ha), KCN đa ngành (855 ha) và khu cảng Bãi Gốc (220 ha) với tổng diện tích 2.155 ha, diện tích mặt nước được giao là 1.300 ha.
Bên cạnh đó, KCN còn có khu đô thị, khu GD-ĐT. Các khu này nằm ở trung tâm KCN đa ngành ở phía Tây gần các tuyến đường giao thông chính và xa KCN nặng của tổ hợp lọc hóa dầu. Khu vực này sẽ gồm các tiện ích cần thiết cho KCN như ngân hàng, bưu điện, nhà hàng và các dịch vụ hậu cần khác. Khu đô thị sẽ đáp ứng chỗ ở cho các nhân viên/ chuyên viên làm việc trong KCN.
KCN Hòa Tâm có địa thế và cơ sở hạ tầng thuận tiện cho doanh nghiệp kinh doanh năng lượng như ưu thế cảng biển nước sâu có thể tiếp nhận các phương tiện vận tải và tàu chở dầu trọng tải lên đến 300.000 DWT; đồng thời rất thuận tiện để kết nối tới sân bay, đường sắt, đường cao tốc quốc gia, quốc lộ và các cảng biển khác. KCN nằm trong vùng kinh tế đặc biệt, do đó mọi loại hình kinh doanh trong KCN đều được thuê đất đến 70 năm và các ưu đãi thuế đặc biệt.
KCN phức hợp, đa ngành và phát triển đồng bộ
Công ty CP Hiệp Hòa Phát - chủ đầu tư - đang tìm kiếm hợp tác từ các đối tác chiến lược và nhà công nghiệp quốc tế nhằm hướng đến tầm vóc KCN tiêu chuẩn quốc tế và trung tâm thương mại. Ở giai đoạn phát triển đầu tiên, Hiệp Hòa Phát sẽ tập trung phát triển khu tổ hợp năng lượng và hóa dầu trong KCN bao gồm sản xuất điện, lọc dầu, hóa dầu, kho chứa dầu (gồm cả kho chứa ngầm và kho nổi). Các tiện ích cảng, SPM, cảng lỏng và cảng hàng rời cũng sẽ được phát triển để phục vụ khu tổ hợp năng lượng và hóa dầu.
Việc Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô chọn KCN Hòa Tâm là địa điểm mới để xây dựng nhà máy lọc dầu là phù hợp với quy hoạch đã được Công ty CP Hiệp Hòa Phát đang triển khai thực hiện. Cùng với việc PVOS là đối tác chiến lược và là nhà đầu tư thứ cấp của Công ty CP Hiệp Hòa Phát trong phát triển dự án KCN Hòa Tâm và cảng biển nước sâu Bãi Gốc sẽ đưa KCN Hòa Tâm trở thành một KCN phức hợp, đa ngành, phát triển đồng bộ tạo thành chuỗi các hoạt động trong KCN Hòa Tâm. Khi các chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp trong KCN được kết hợp hoàn hảo sẽ tạo nên nhiều cơ hội về sự khác biệt và giảm chi phí cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào KCN Hòa Tâm.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hiệp Hòa Phát, Giám đốc Chi nhánh Phú Yên, việc UBND tỉnh Phú Yên điều chỉnh quy hoạch mặt bằng của dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô tại khu đất 180 ha mặt đất (210 ha cảng chuyên dụng) từ khu vực cảng Vũng Rô về vị trí mới trong KCN Hòa Tâm là phù hợp với quy hoạch 1/2.000 KCN Hòa Tâm. Qua đánh giá của các bộ, ngành, Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô là dự án thứ cấp trong KCN Hòa Tâm, do đó rất cần sự cam kết hỗ trợ và sự nhất quán trong các chính sách từ phía chính quyền tỉnh Phú Yên, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư.
Cửa ngõ ra biển của toàn vùng Nằm trong vùng kinh tế Nam Phú Yên là cửa ngõ ra biển của khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan, cảng biển nước sâu Bãi Gốc có thể trở thành cửa ngõ ra biển cho các hoạt động thương mại của toàn vùng. Cảng biển nước sâu Bãi Gốc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm thương mại và vận tải quốc tế, đặc biệt cho các sản phẩm xăng dầu, có khả năng cạnh tranh với các trung tâm thương mại khu vực như Singapore, Hồng Kông. |
Bình luận (0)