Trở lại TPHCM sau Tết nhưng tâm trạng của gần 700 công nhân (CN) Công ty Sae Hwa Vina (100% vốn Hàn Quốc; chuyên dệt nhuộm; huyện Củ Chi - TPHCM) không vui. Do đơn hàng không ổn định nên công ty tiếp tục cho CN nghỉ chờ việc. “Tiền lương cũ chưa được thanh toán, nghỉ chờ việc lại không có lương; quyền lợi BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp bị treo nên CN hết sức chật vật. Tình hình này kéo dài, CN khó bề xoay xở” - anh Tạ Quang Vịnh than thở.
Sống dở, chết dở
Như Báo Người Lao Động thông tin, do gặp khó khăn, từ đầu tháng 12-2012 đến nay, Công ty Sae Hwa Vina liên tục để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ BHXH khiến đời sống CN hết sức chật vật. Khổ nhất là tình cảnh 160 CN phân xưởng nhuộm. Do không có việc làm thường xuyên, từ trước Tết, hàng trăm CN đã chạy vạy khắp nơi xin việc nhưng số tìm được việc làm ổn định rất ít, chủ yếu là công việc thời vụ với thu nhập hết sức bấp bênh. Anh Phan Thanh Giản, quê ở Cà Mau, bức xúc: “Trước Tết, khi các cơ quan chức năng huyện làm căng, công ty mới chịu tạm ứng cho mỗi CN 1 triệu đồng tiền lương rồi hẹn đến ngày 28-2 sẽ trả hết. Vậy mà tới giờ vẫn chưa trả”.
Hiện công ty còn nợ lương, BHXH của 665 CN hơn 11 tỉ đồng và không có khả năng thanh toán. CN còn lo lắng hơn khi nghe do nợ nần chồng chất, công ty đang làm thủ tục bán phân xưởng nhuộm. Đã vậy, tổng giám đốc Kong Wan Sik luôn tìm cách tránh mặt các cơ quan chức năng. Để bảo vệ quyền lợi CN, mới đây, LĐLĐ huyện Củ Chi đã kiến nghị LĐLĐ TP phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan chức năng huyện xử lý dứt điểm vụ việc, ngăn ngừa doanh nghiệp (DN) tẩu tán tài sản, giám đốc bỏ trốn.
Vi phạm kéo dài
Hơn nửa tháng qua, gần 1.600 CN Công ty Giày Thượng Thăng (huyện Bình Chánh - TPHCM) cũng làm việc trong tâm trạng bất an. Nhiều CN cho biết ngoài nợ lương, bức xúc lớn nhất vẫn là việc DN nợ đọng BHXH kéo dài. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng TP phát hiện công ty sử dụng thường xuyên hơn 1.500 CN nhưng chỉ ký hợp đồng lao động, trích nộp BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp cho 500 CN. Từ năm 2003 đến nay, công ty không tham gia BHXH, BHYT cho 1.306 CN. Đặc biệt, trong số CN đã tham gia BHXH, công ty cũng chưa thực hiện đầy đủ BHXH, BHYT cho 432 CN (từ năm 1999 đến tháng 12-2012) với tổng số nợ hơn 16 tỉ đồng. Mới đây, Cơ quan BHXH TP đã có công văn đề nghị LĐLĐ TP phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý sai phạm tại công ty này.
Còn tại Công ty Đại Thắng Lợi, 40 CN cũng mỏi mòn chờ lương trong vô vọng khi hơn nửa tháng qua, ông Lâm Minh Quý, giám đốc công ty, biệt tăm. Trước Tết, thấy chủ DN gặp khó khăn, nhiều CN đã bỏ tiền túi, thậm chí bán tư trang cá nhân cho ông Quý xoay xở. Tuy nhiên, đáp lại thiện chí ấy của tập thể CN, ông Quý đã lẳng lặng bỏ trốn. Rất may cho CN là DN vẫn còn một số máy móc có thể thanh lý. Để bảo vệ quyền lợi CN, ngoài đề nghị niêm phong tài sản, LĐLĐ huyện Hóc Môn còn hỗ trợ CN khởi kiện ra tòa. “Chỉ mong các cơ quan chức năng sớm xét xử, thanh lý tài sản để CN được nhờ” - anh Lê Văn Quý, CN Công ty Đại Thắng Lợi, kiến nghị.
Xử lý kịp thời tranh chấp phát sinh Theo ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM: “Hành vi cố tình vi phạm hoặc né tránh giải quyết quyền lợi CN tại nhiều DN không chỉ khiến tâm lý làm việc của CN bất an mà quan hệ lao động còn diễn biến phức tạp. LĐLĐ TP tiếp tục chỉ đạo Công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng giám sát tình hình các DN có nhiều sai phạm để xử lý kịp thời tranh chấp phát sinh, bảo vệ quyền lợi người lao động”. |
Bình luận (0)