Các hồng y Công giáo dưới 80 tuổi từ khắp nơi trên thế giới đang tụ họp tại Rome để bắt đầu tiến trình bầu chọn vị giáo hoàng mới. Từ ngày 4-3, Hồng y đoàn tổ chức các cuộc đối thoại hằng ngày để phác họa đặc điểm vị giáo hoàng mới và cân nhắc ai trong số họ có thể phù hợp trước khi bước vào cuộc mật nghị bầu giáo hoàng diễn ra vào tuần tới.
Dán áp-phích ủng hộ Hồng y Peter Turkson làm giáo hoàng mới ở Rome. Ảnh: REUTERS
Cuộc họp tiền mật nghị
Các hồng y sẽ bàn bạc về những thử thách trong tương lai đối với giáo hội và cân nhắc các ứng cử viên có khả năng làm giáo hoàng. Hồng y Donald Wuerl, ở Washington, dè dặt nhận định: “Tôi nghĩ rằng nhân vật được ưu tiên bầu làm giáo hoàng lần này là một vị có khả năng đương đầu với những vấn đề to lớn toàn cầu. Thế nhưng, đó chưa phải là điều kiện để bầu một vị lãnh đạo và hướng dẫn Giáo hội Công giáo trong những năm tới đây”.
Các cuộc họp đầu tiên sẽ ấn định thời gian để khai mạc cuộc mật nghị và giúp xác định danh tính các ứng cử viên xứng đáng để có thể lãnh đạo 1,2 tỉ người Công giáo khắp thế giới. Báo chí Ý đưa tin ngày 11-3 có thể là thời hạn tiến hành cuộc mật nghị bầu giáo hoàng thứ 266. Tuy nhiên, Hồng y Angelo Sodano, Trưởng Hồng y đoàn, nhấn mạnh rằng khi tất cả mọi “hồng y cử tri” có mặt ở Rome mới ấn định thời gian khai mạc mật nghị. Các hồng y mong muốn tân giáo hoàng sẽ chính thức nhậm chức kịp thời để chủ sự các lễ nghi Tuần Thánh, bắt đầu từ lễ Lá ngày 24-3 cho đến lễ Phục sinh vào ngày 31-3.
Có 115 hồng y đủ điều kiện tham dự mật nghị bầu giáo hoàng sau khi Hồng y Keith O’Brien rút lui và một hồng y người Indonesia không thể tham dự vì lý do sức khỏe. Để bảo đảm bí mật hoàn toàn, theo đài BBC, các kỹ thuật viên sẽ kiểm tra để bảo đảm không có thiết bị nghe trộm trong phòng của hồng y, đồng thời, điện thoại di động bị cấm sử dụng trong suốt thời gian diễn ra cuộc mật nghị.
Các ứng cử viên hàng đầu
Theo hãng tin Reuters, các cuộc họp tiền mật nghị cũng sẽ thực hiện các bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử, chẳng hạn như ra lệnh đặt một chiếc lò đặc biệt để đốt các phiếu bầu sau mỗi vòng bầu cử; mỗi ngày có 2 vòng bỏ phiếu. Nếu khói bay lên màu đen (do một thành phần hóa học được bỏ thêm vào), điều đó có nghĩa là chưa ứng cử viên nào giành được 2/3 số phiếu. Còn trong trường hợp khói trắng, đó là dấu hiệu đã bầu được giáo hoàng mới.
Trong số các ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vị giáo hoàng hiện nay có Hồng y người Ý Angelo Scola, nhân vật ủng hộ đối thoại liên tôn giáo và Hồng y người Áo Christoph Schoenborn, học trò cũ của Giáo hoàng Benedict XVI, người có những ý tưởng tiến bộ. Bên cạnh đó, 2 hồng y người Mỹ Sean O’Malley (ở Boston) và Timothy Dolan (ở New York) cũng được đánh giá là những ứng cử viên sáng giá.
Hồng y Marc Ouellet, ở Quebec (Canada), nhân vật có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ Latin cũng được xếp hạng cao trong danh sách các ứng viên cho chức vụ giáo hoàng. Thêm vào đó, Hồng y Odilo Scherer, Giám mục Sao Paulo (Brazil), được xem là một nhân vật được yêu thích ở Mỹ Latin. Trong khi đó, ở châu Phi, các hồng y Peter Turkson (Ghana), Robert Sarah (Guinea) và Wilfrid Napier (Nam Phi) cũng là những nhân vật có khả năng được bầu. Còn ở châu Á, ứng cử viên được đề cập thường xuyên nhất là Hồng y Luis Antonio Tagle, 55 tuổi, Giám mục Manila (Philippines).
Giáo hoàng danh dự Sau khi chính thức từ chức hôm 1-3, Giáo hoàng Benedict XVI sống ẩn dật ở thị trấn Castel Gandolfo, cách Rome hơn 20 km về phía Đông Nam. Ngài cam đoan sẽ tuân phục và tôn kính không điều kiện vị kế nhiệm của mình. Vị giáo hoàng người Đức này, tên khai sinh là Joseph Ratzinger, tiếp tục được biết đến với tên gọi Benedict XVI, sẽ có tước hiệu mới là “Giáo hoàng danh dự”. Dự kiến, sau này, ngài sẽ nghỉ hưu tại một tu viện trên đồi cao bên trong thành phố Vatican. |
Bình luận (0)