Cách đây 3 năm, Tổng thống Obama dự báo NASA - Cơ quan Không gian Vũ trụ Mỹ - có thể đưa người lên sao Hỏa vào năm 2030. Ngày 27-2 vừa qua, cựu kỹ sư NASA Dennis Tito (73 tuổi), tuyên bố sẽ thực hiện một chuyến du lịch sao Hỏa vào ngày 5-1-2018. Ông Tito là triệu phú từng đóng 20 triệu USD cho Cơ quan Không gian Nga để tham quan Trạm Vũ trụ quốc tế ISS 8 ngày vào cuối tháng 4-2001.
Ông Tito (bìa trái) và 2 nhà phi hành Nga trong chuyến bay tham quan ISS năm 2001. Ảnh: WIKIPEDIA
Chấp nhận vô sinh
Một dự án được các chuyên gia đánh giá có nhiều tham vọng, chuyến bay đi và bay về trái đất - sao Hỏa sẽ kéo dài tổng cộng 501 ngày trong điều kiện được báo trước không phải là một chuyến du lịch tiện nghi 5 sao bởi mục đích của nó không phải là thương mại mà là chứng minh cường quốc số 1 thế giới của Mỹ.
Chuyến bay sẽ do Inspiration Mars, một tổ chức phi lợi nhuận của chính ông Tito, thực hiện. Trong bài tự giới thiệu, tổ chức này cho biết họ tin rằng công cuộc thám hiểm vũ trụ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sự phồn vinh của đất nước, tri thức và đẳng cấp lãnh đạo thế giới.
Dennis Tito, chủ dự án du lịch sao Hỏa. Ảnh: WIKIPEDIA
Hai ứng viên đầu tiên
Những điều kiện tiếp theo là phải có tinh thần thép để chịu đựng sự cô độc và đối phó với những bất trắc ngoài tiên lượng của các chuyên gia kỹ thuật của dự án. Cũng bởi lý do này mà ông Tito muốn các ứng viên phải là vợ chồng, vì theo ông, chỉ có tình yêu sâu sắc mới giải quyết được bài toán đơn độc và đùm bọc lẫn nhau khi gặp sự cố nguy hiểm. Bởi, một khi được phóng lên vũ trụ, con tàu nhỏ bằng cái phòng vệ sinh không được phép dịch chuyển khỏi đường bay và không thể trở về trước năm 2019, bất chấp mọi chuyện xảy ra trên đường đi.
Ông Tito giải thích trên trang mạng Space.com: “Khi bạn đang ở rất xa và trái đất trông giống như đầu kim gút, bạn cần một sự mơn trớn của một người nào đó”. Điều này cũng có nghĩa là, theo diễn giải của đài truyền hình NBC, họ có thể “yêu” nhau.
Theo nguồn tin của tờ Washington Post, đã có 2 người tình nguyện đăng ký với Inspiration Mars. Đó là Taber MacCallum (48 tuổi) và vợ là bà Jayne Poynter MacCallum (50 tuổi). Taber là giám đốc điều hành Công ty Paragon Space Development ở Tucson, một thành viên của dự án. Công ty này sản xuất hệ thống hỗ trợ sự sống trên tàu vũ trụ của dự án.
Cách đây 20 năm, Taber và Jayne đã trải qua 2 năm trong dự án Biosphere 2, nơi huấn luyện con người sống trong một cộng đồng giả lập trên các hành tinh, ở Oracle, bang Arizona. Bà Jayne cho biết: “Chúng tôi đã từng sống ở đó và trải nghiệm một cuộc sống giống như trên sao Hỏa”.
Kinh phí lên đến 2,5 tỉ USD
Một trong những trở ngại chính của dự án là vấn đề tài chính. NASA ủng hộ dự án của Dennis Tito nhưng sẽ không hỗ trợ tài chính vì đây là một dự án của tư nhân. Ngân sách NASA không còn dồi dào như cách đây 40 năm đưa người lên cung trăng.
Đánh bại Trung Quốc Trong cuộc họp báo, ông Tito tuyên bố: “Đây không phải là một phi vụ thương mại mà là một phi vụ mang tính nhân ái vì nó khuyến khích trẻ em mơ mộng”. Ông cũng nhắc lại chương trình Apollo đưa người lên mặt trăng năm 1972 là hành động có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc chạy đua vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô thời chiến tranh lạnh. Đồng tiền dùng để thực hiện chương trình là tiền đóng thuế của nhân dân Mỹ nhằm đánh bại Liên Xô. Vậy lần này, ông Tito quyên góp tiền của nhân dân có nhằm đánh bại Trung Quốc là thế lực vũ trụ mới nổi hay không? Câu trả lời của ông là: “Tại sao không?”. |
Bình luận (0)