Theo tường trình của phóng viên Quế Hà, anh đến quầy lưu niệm của nhà hàng mua đồ nhưng bị bảo vệ chặn lại với lý do “ông chủ dặn không cho người Việt vào”. Phóng viên Quế Hà muốn gặp chủ nhà hàng thì nhân viên ở đây trả lời “ông chủ đang nghỉ trưa”. Anh tiếp tục xuất trình thẻ nhà báo đề nghị được tiếp xúc với chủ nhà hàng nhưng cũng bị từ chối.
Sau đó, phóng viên Quế Hà đến ô tô của mình, đậu bên kia đường, lấy máy ảnh ra chụp hình nhà hàng thì một người đàn ông (sau này mới biết là ông Nghiêm Phúc, chủ nhà hàng Cát Vàng) chỉ thẳng vào mặt chửi lớn: “Thằng kia là thằng nào mà dám chụp hình nhà hàng của tao. Đuổi nó đi”. Phóng viên Quế Hà tiếp tục chụp thêm 2 tấm hình nữa thì ông Phúc ra lệnh cho một nhân viên tấn công, đập máy chụp hình. Ngay lập tức, phóng viên Quế Hà bước vào xe khóa cửa và gọi điện cho cơ quan chức năng.
Nhà hàng Cát vàng từ chối khách trong nước do... "người Việt xấu tính"
Sau đó, 2 cán bộ thanh tra của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Bình Thuận và Công an phường Hàm Tiến có mặt xử lý vụ việc. Lúc này, ông Phúc thừa nhận hành vi của mình và nói: “Nhà của tôi, tôi không cho chụp hình. Ông ấy mà bước tới chụp hình nữa là tôi đập chết ngay”.
Trong biên bản làm việc, ông Phúc cho rằng sở dĩ không phục vụ người trong nước là do “người Việt xấu tính”. Ông Phúc cho biết ở Cát Vàng, khách Việt phải đặt hàng trước mới phục vụ. Riêng khu bán đồ lưu niệm tuyệt đối không cho người Việt vào. “Tôi thống kê rồi, chưa tới 1% người Việt vào mua hàng nhưng hễ cứ có người Việt vào là thế nào cũng có chuyện với nhân viên. Vì vậy, tôi không phục vụ người Việt đã 2-3 năm nay rồi” - ông Phúc nói.
Chiều 4-3, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và UBND TP Phan Thiết tìm hiểu vụ việc, nếu quá đáng có thể đóng cửa vĩnh viễn nhà hàng Cát Vàng. “Không thể để một nhà hàng như thế làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Bình Thuận” - ông Phương khẳng định.
Bình luận (0)