Những ngày đầu tháng 3, người dân huyện Cư M’gar - Đắk Lắk phải chắt chiu từng giọt nước để tưới cho cây trồng. Chị Nguyễn Thị Xuyên (trú ở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) cho biết gia đình có 1 ha cà phê và 5 sào lúa nước, từ sau Tết Nguyên đán tới nay, gia đình chị mất ăn mất ngủ, thường xuyên ở trên rẫy, ngoài đồng để chống hạn. Thế nhưng, rẫy cà phê đã bắt đầu héo rũ mà chưa tìm ra nguồn nước tưới, 5 sào lúa thì có 3 sào chết khô.
Nạo vét kênh mương nội đồng để chống hạn tại Bình Định. Ảnh: ANH TÚ
Hồ trơ đáy, cây cháy khô
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, đã có hơn 10.000 ha cây trồng các loại bị khô hạn, trong đó hơn 1.300 ha cây trồng ngắn ngày bị mất trắng. Nếu nắng nóng kéo dài đến đầu tháng 4, nhiều diện tích cà phê ở các huyện Krông Năng, Krông Pắk, Cư M’gar, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ… sẽ bị khô cháy do thiếu nước tưới.
Tại Gia Lai, theo Sở NN-PTNT tỉnh, đã có hơn 5.000 ha cà phê thiếu nước tưới, nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân khô héo. Ước tính thiệt hại gần 20 tỉ đồng. Tương tự, tại tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 7.700 ha cà phê, gần 1.000 ha lúa đang thiếu nước tưới nghiêm trọng…
Tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới cũng diễn ra gay gắt ở tỉnh Bình Định, gần một nửa diện tích lúa bị thiếu nước, cháy khô, nhiều nông dân chấp nhận thu hoạch sớm. Anh Đặng Văn Thanh (xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) cho biết do không có nước tưới nên đành phải thu hoạch sớm thửa ruộng 5 sào, được khoảng 50 kg lúa. Cách ruộng của anh Thanh không xa, bà Lê Thị Cườm ngồi chầu chực dưới cái nắng gay gắt chờ được bơm nước tưới cho 3 sào đậu phụng, chi phí mỗi lần tưới nước lên đến 400.000 đồng nhưng không phải lúc nào cũng có nước.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân, Trưởng Phòng Trồng trọt Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết tổng diện tích gieo sạ vụ đông xuân 2012-2013 tại Bình Định gần 45.500 ha, trong đó có 25.000 ha sản xuất 2 vụ/năm, 20.000 ha sản xuất 3 vụ/năm. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng nên ảnh hưởng lớn đến năng suất, nông dân có nguy cơ mất trắng.
Nhiều biện pháp chống hạn
Mùa mưa năm ngoái kết thúc sớm, lượng mưa giảm mạnh nên lượng nước trong các ao hồ, sông suối ở khu vực Tây Nguyên giảm từ 30% - 70%. Trong khi đó, nhiều diện tích rừng đầu nguồn bị tàn phá nghiêm trọng, mất khả năng giữ nước làm cho mùa khô của Tây Nguyên thêm khắc nghiệt.
Trước tình trạng này, UBND các tỉnh Tây Nguyên đã chỉ đạo UBND các huyện lập đoàn công tác, trực tiếp xuống chỉ đạo công tác chống hạn. Huy động lực lượng nạo vét kênh mương, khai thông dòng chảy, tuyên truyền cho người dân cách sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn nước hiện có để cứu cây trồng, huy động hàng trăm máy bơm nhỏ của dân để bơm nước chống hạn cứu các cánh đồng...
Kon Tum: Hàng trăm hecta cây trồng bị hạn Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Kon Tum, trên địa bàn tỉnh đã có 300 ha cây trồng bị hạn, gần 500 ha khác bị ảnh hưởng và có khả năng bị hạn trong thời gian tới nếu trời tiếp tục không mưa. Huyện Đăk Glei là địa phương có diện tích hạn nhiều nhất với gần 150 ha. Tại huyện Đak Hà, trung tâm phát triển cây cà phê của tỉnh, nhiều diện tích cà phê đang được tưới nước cầm chừng, trong tuần tới nếu trời tiếp tục không mưa, sẽ có khoảng 50 ha lúa nước và trên 100 ha cà phê bị thiệt hại nặng. G.Thu |
Bình luận (0)