“Công ty cứ hứa nhưng không thực hiện đúng cam kết. 100.000 - 200.000 đồng không phải là số tiền lớn nhưng cách hành xử thiếu thiện chí của ban giám đốc trong những ngày qua đã gây ức chế cho công nhân (CN)”. Đó là nỗi bức xúc mà hàng trăm CN Công ty P.C (KCN Vĩnh Lộc - TPHCM) đã thổ lộ khi tiếp xúc với cán bộ Công đoàn (CĐ) các KCX-KCN TP mới đây.
Tính toán tủn mủn
Theo phản ánh của CN, trước đây, để động viên họ làm việc, công ty có thêm khoản phụ cấp công việc (chia làm 3 mức: 530.000, 560.000 và 590.000 đồng), đưa vào lương cơ bản. Thế nhưng, sau Tết, dù sản xuất, kinh doanh vẫn ổn định, ban giám đốc lại quyết định chia khoản phụ cấp công việc trước đây thành 2 khoản: Phụ cấp công việc (250.000 đồng) và phụ cấp chuyên cần (200.000 đồng). So với quy định cũ, mỗi CN bị mất 80.000 - 110.000 đồng.
Bức xúc khác của CN là đi kèm với việc chia nhỏ phụ cấp, Công ty P.C cũng xây dựng quy định hưởng tiền chuyên cần hết sức ngặt nghèo, chẳng hạn, nghỉ 1 ngày không lý do là mất trắng. Dù CĐ cơ sở đã góp ý, ban giám đốc vẫn giữ nguyên quyết định này.
Một vụ ngừng việc tại TPHCM do doanh nghiệp đột ngột cắt phụ cấp của công nhân
Đáng nói là thay vì lắng nghe ý kiến của CN và phối hợp với CĐ giải quyết, ban giám đốc công ty lại “đổ dầu vào lửa” khi ra thông báo “CN nào tự ý bỏ việc liên tục 5 ngày sẽ bị cho thôi việc”. Trước cách hành xử quá đáng của ban giám đốc, CĐ các KCX-KCN TP đã can thiệp. Đến lúc này, công ty mới chịu rút lại thông báo điều chỉnh phụ cấp.
Vụ việc tưởng chừng được giải quyết ổn thỏa thì mới đây, công ty lại bắn tin sẽ điều chỉnh chính sách tiền lương, tiếp tục gây tâm lý bất an trong CN. “Chia nhỏ phụ cấp thực tế là hành vi né tránh trích nộp BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Quản lý doanh nghiệp (DN) mà cứ chực chờ cắt giảm quyền lợi CN thì chẳng khác nào gieo mầm bất ổn cho chính mình” - một cán bộ CĐ các KCX-KCN TP nhìn nhận.
Cũng với cách nghĩ tủn mủn ấy nên thay vì nâng lương cơ bản cho CN như cam kết (300.000 đồng/người), Công ty Y.J (KCX Linh Trung 1 - TPHCM) lại quyết định hạ xuống còn 150.000 đồng (giảm 50%). Do ban giám đốc không giải thích rõ ràng, hàng trăm CN đã tự ý bỏ việc, dẫn đến sản xuất đình đốn, khách hàng dọa tẩy chay. Đến lúc đó, ban giám đốc mới xuống nước, giữ nguyên mức nâng lương như đã hứa.
Qua mặt cơ quan chức năng
Vụ tẩu tán tài sản nhằm né tránh giải quyết quyền lợi cho CN tại Công ty IL Shin Womo (100% vốn Hàn Quốc, huyện Củ Chi - TPHCM) xảy ra vào đầu tháng 3-2013 lại cho thấy một kiểu cố tình qua mặt cơ quan chức năng. Năm 2012, do làm ăn thua lỗ, công ty thường xuyên nợ lương, đặc biệt là nợ dây dưa BHXH. Chia sẻ với DN, nhiều CN vẫn cố gắng bám trụ. Thế nhưng, tình hình vẫn không được cải thiện, công ty càng lún sâu vào nợ nần khiến gần 100 CN điêu đứng.
Trước sức ép của các cơ quan chức năng huyện Củ Chi, cuối tháng 2-2013, ban giám đốc công ty hứa thanh lý tài sản để khắc phục nợ lương và BHXH. Cam kết là vậy nhưng sau đó, công ty đã lén lút tẩu tán tài sản, xù luôn nợ lương, BHXH hơn 5,3 tỉ đồng.
Nhận được tin báo của CN, các cơ quan chức năng huyện Củ Chi đã cố gắng tìm gặp người có trách nhiệm của DN để can thiệp. Đến lúc này, thay vì phối hợp giải quyết, công ty lại “dỗ ngọt” CN rằng sẽ trả thẳng nợ BHXH cho họ thay vì nộp cho cơ quan BHXH theo quy định.
“Đã cam kết trước mặt cơ quan chức năng mà còn không thực hiện thì lấy gì bảo đảm công ty sẽ trả nợ cho CN khi chỉ có 2 bên biết với nhau? Chưa kể, việc DN tự chi trả BHXH là vi phạm pháp luật lao động, gây thiệt thòi quyền lợi về sau của CN” - ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, bức xúc.
Dễ bất ổn, thất bại Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, cho rằng viện cớ khó khăn để bắt chẹt người lao động là cách nhanh nhất để đưa DN vào chỗ bất ổn và thất bại. Điều đó không bao giờ là mục tiêu của những DN làm ăn chân chính. Cơ quan chức năng TP cần rà soát, sàng lọc lại các DN. Nếu DN nào hoạt động không hiệu quả, để xảy ra nợ thuế, nợ lương, BHXH gây tranh chấp, bất ổn, làm ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội thì phải kiên quyết rút giấy phép. |
Bình luận (0)