Đà Lạt đã và đang được nhiều người nhìn nhận là TP du lịch nổi tiếng của Việt Nam và trên thế giới, với hàng loạt sự ví von: TP ngàn hoa, TP sương mù, TP ngàn thông, TP mộng mơ… Trong tương lai, diện mạo của TP này được phác họa qua đồ án: “Quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, do Phân viện Quy hoạch đô thị - nông thôn Miền Nam phối hợp với nhóm chuyên gia tư vấn Pháp thực hiện, vừa được HĐND tỉnh Lâm Đồng thông qua.
Đô thị trong rừng, rừng trong TP
Với đồ án trên, Đà Lạt trong tương lai sẽ hình thành một mạng lưới các TP có quy mô phù hợp. Theo kiến trúc sư Thierry Huau, trưởng nhóm chuyên gia Pháp, cấu trúc không gian vùng đô thị Đà Lạt đến năm 2030 gồm 4 cực, bảo đảm các chức năng khác nhau, đa dạng và bổ sung cho nhau. Đà Lạt sẽ là hình ảnh thương hiệu của toàn vùng. TP mới Liên Nghĩa (Đức Trọng) với các khu phố mới được đặt mục tiêu phát triển kinh tế, các KCN thương mại, ngành công nghệ cao. Hai đô thị sinh thái Nam Ban (Lâm Hà) và Quảng Lập (Đơn Dương) được thiết kế theo nguyên tắc phát triển bền vững, nâng cao giá trị cuộc sống và quảng bá ngành nông nghiệp. Khu vực Đankia vừa phát triển du lịch vừa xây dựng một trung tâm đại học quốc tế…
Đà Lạt là TP du lịch hấp dẫn tầm quốc gia và quốc tế dựa vào du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch dựa trên di sản, văn hóa - nghệ thuật và một điểm đến cho các hoạt động giải trí, thể thao ngoài trời. Đà Lạt sẽ hội đủ những yếu tố đáp ứng cho một cuộc sống chất lượng, như phát triển một trung tâm khoa học đào tạo, trung tâm thương mại, dịch vụ; hình thành các khu nông nghiệp đô thị “sạch, sinh thái” ở trong và ngoài TP, kết nối các trung tâm công nghệ mới, bảo tồn các làng sinh thái xung quanh đô thị. Mạng lưới giao thông công cộng nối kết các TP và các khu du lịch sẽ được xây dựng…
Nhiều chuyên gia cho rằng quy hoạch Đà Lạt phải hết sức coi trọng yếu tố “xanh”. Kiến trúc sư Thierry Huau nhấn mạnh: Đà Lạt cần trùng tu toàn bộ trung tâm TP bằng cách tạo nên các không gian xanh, mở rộng khu phố nhà ở mới theo dạng “đô thị vườn”. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho rằng theo ý tưởng quy hoạch Đà Lạt xưa là “TP trong rừng, rừng trong TP”, cần nhìn nhận các đặc trưng, bản sắc, điều kiện tự nhiên rất riêng của Đà Lạt. Theo đó, Đà Lạt sẽ là “đô thị trong rừng, rừng trong TP”, đặc điểm của “TP vườn”, có sức hấp dẫn về văn hóa, kiến trúc, nghiên cứu, đào tạo, nông nghiệp sinh thái…
Nguy cơ mất bản sắc và đặc trưng
Thực tế hiện nay, Đà Lạt đang có nhiều cơ hội để phát triển nhưng vẫn còn không ít thách thức. Việc quản lý đô thị chưa đi vào nề nếp, nhiều căn nhà xây mới không theo quy hoạch đã phá vỡ bố cục của tổng thể chung, những rừng thông đang nhường chỗ cho các dự án, rừng nội ô và các vùng phụ cận bị tàn phá để lập vườn, làm nhà.
Theo quy hoạch, diện tích Đà Lạt trong tương lai gấp gần 9 lần diện tích hiện hữu. Theo GS-TS- kiến trúc sư Bruno De Meulder (Vương quốc Bỉ), có thể nói việc vận hành một TP như thế này quả là chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Bởi, cái khó hơn cả là chữ “rộng” này dường như không chỉ là một vòng tròn nới rộng bán kính. Nó còn chứa trong đó chiều cao của núi, chiều sâu của kiến thức quản lý và cả nhiều chiều khác nữa về cách sống, về quá khứ và tương lai...
Nhiều nhà tư vấn cho quy hoạch chung TP Đà Lạt phân vân: Vấn đề đặc điểm khí hậu rất quan trọng vì đó là bản sắc của Đà Lạt, mà điều này rất mong manh. Nhóm hồ trong cánh rừng được xác định là cốt lõi và đặc tính của Đà Lạt bây giờ đã bị bao phủ bởi vô vàn nhà kính màu trắng. Phát triển nông nghiệp đang làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, cảnh quan tự nhiên và môi trường, do đó phải nghiên cứu chuyển thành một loại hình nông nghiệp đô thị. Các mảng xanh và không gian mở chưa kết nối được thành không gian cảnh quan. Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số trong thời gian qua đang là một thách thức, khi khu vực lịch sử của Đà Lạt đã đạt đến ngưỡng sức chịu tải.
Theo TS - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, dường như càng phát triển tự do theo cách làm hiện nay, Đà Lạt càng giống một Sài Gòn trên cao nguyên hơn và càng xa rời những giá trị từng đem lại sự độc đáo thu hút du khách của ngày xưa. Đó là những thách thức lớn mà Đà Lạt đang đối mặt, là nguy cơ mất bản sắc, đặc trưng của đô thị nếu không có tầm nhìn phù hợp và phát triển không gian tương lai một cách cẩn trọng.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp xem xét quy hoạch tổng thể TP Đà Lạt năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng: Phải giữ cho được những cây xanh, thảm cỏ, đồi núi, hồ nước hiện có của Đà Lạt, các vùng phụ cận và trong cả tỉnh Lâm Đồng để trước hết, Đà Lạt là một công viên lớn và đẹp. Phải tạo môi trường gọi chim thú về sinh sống và phát triển, làm cho không gian thêm rộng và hấp dẫn…
Nếu làm được như vậy, Đà Lạt sẽ là nơi người ta đến mà chẳng muốn rời.
Diện tích gần bằng Hà Nội Theo đề án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, diện tích đất tự nhiên của TP khoảng 3.308 km2, gần bằng TP Hà Nội. Quy mô dân số đến năm 2030 từ 700.000 đến 750.000 người; khách du lịch đến Đà Lạt khoảng 9 - 10 triệu người/năm; tỉ lệ đô thị hóa 60% - 70%, trong đó trên diện tích TP Đà Lạt hiện hữu không được phép xây dựng nhà cao tầng, số tầng cao tối đa chỉ 3 - 5 tầng tùy từng khu vực. |
Bình luận (0)