Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4-2013, ngày 10-3, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức hội nghị về triển vọng ngành hàng cà phê 2013 - giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng.
Sẽ sớm có giải pháp hỗ trợ
Là một trong những cường quốc sản xuất cà phê nhưng ngành cà phê Việt Nam đang tồn tại nhiều nghịch lý, đối diện với hàng loạt thách thức từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến đến xuất khẩu. Theo thống kê, niên vụ cà phê 2011-2012, Việt Nam có hơn 600.000 ha, năng suất bình quân khoảng 2,3 tấn/ha, sản lượng xuất khẩu đạt 1.667.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,74 tỉ USD.
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, hiện nay, ngành cà phê của ta đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, diện tích cà phê trên 20 năm lên đến 30%, nếu không tái canh kịp thời thì trong 10 năm tới, diện tích cà phê già cỗi sẽ chiếm 50% và Việt Nam sẽ mất vị trí xuất khẩu cà phê nhân thứ 2 thế giới. Diện tích cà phê tuy lớn nhưng lại phân tán nên khó cho việc đầu tư kỹ thuật trồng trọt và chế biến. Bên cạnh đó, hiện có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu (hơn 150) nhưng chất lượng cà phê chưa ổn định, phần lớn xuất cà phê nhân chưa qua chế biến…
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho rằng trong những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp. Năm 2012, lượng mưa ở Tây Nguyên rất thấp so với trung bình nhiều năm. Diện tích cà phê bị hạn hán đang tăng nhanh. “Cần phải có chương trình nghiên cứu biến đổi khí hậu và môi trường tác động đến ngành cà phê để hạn chế tối đa thiệt hại” - ông Hòa đề xuất.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm là hiện nay, mối liên hệ giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu với nông dân hết sức lỏng lẻo, thiếu sự chia sẻ lợi ích. Người dân quản lý hơn 80% diện tích cà phê nhưng họ lại “mù” thông tin về thị trường, thường xuyên bị ép giá và chịu rủi ro. Trong chuỗi phân phối lợi nhuận, người trồng cà phê chỉ được hưởng một tỉ lệ quá nhỏ so với các cơ sở chế biến. Vì vậy, người trồng cà phê không an tâm đầu tư sản xuất. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Sẽ sớm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những giải pháp hỗ trợ người trồng cà phê”.
Bài học Brazil
Niên vụ cà phê 2011-2012, Việt Nam chiếm gần 30% khối lượng cà phê giao dịch nhưng kim ngạch chỉ chiếm 10% trong tổng số giá trị thương mại toàn cầu. Nguyên nhân là do chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê của ta còn hạn chế. Cà phê hòa tan, cà phê rang xay chiếm chưa đến 10% sản lượng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinacafé Biên Hòa, dẫn lời ông Lương Văn Tự cho biết: Khi bán 1 kg cà phê nhân, chúng ta thu được khoảng 2 USD, tương đương với giá trung bình của 1 ly cà phê ở nước ngoài, trong khi 1 kg cà phê có thể pha được 50 ly!
Ông Tùng phân tích: Giữa ngành cà phê Brazil và Việt Nam có một khoảng cách quá xa. Trong khi Việt Nam chỉ có 4 thương hiệu cà phê hòa tan và 20 thương hiệu cà phê rang xay, Brazil có đến khoảng 20 thương hiệu cà phê hòa tan và 3.000 thương hiệu cà phê rang xay. 20 năm trước, Brazil cũng đã gặp vấn đề tương tự Việt Nam hiện nay. Giải pháp nâng cao chất lượng cà phê của họ là một chiến dịch quy mô lớn, kéo dài đến 10 năm.
Tạo thế mạnh với đối tác nước ngoài Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế, dự báo niên vụ 2012-2013, thị trường cà phê thế giới cung sẽ vượt cầu. Vì vậy, chúng ta nên tập trung thị trường trong nước. “Ngoài nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê xuất khẩu, việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa còn giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân có thế mạnh hơn khi đàm phán với đối tác nước ngoài” - ông Nguyễn Thanh Tùng nhận định. |
Bình luận (0)