xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trắng đêm đuổi “cát tặc”

Bài và ảnh: XUÂN HOÀNG

Trong khi hệ thống thủy điện đang làm thay đổi dòng chảy, gây biến dạng sông Đồng Nai thì nạn khai thác cát lậu nhiều năm qua cũng gây nhiều hệ lụy

Tại địa bàn các xã Bình Hòa, Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) đến các xã Long Tân, Phước An (huyện Nhơn Trạch) và các phường Bửu Long, Long Bình Tân, Cù lao Hiệp Hòa (TP Biên Hòa - Đồng Nai), đêm đêm, người dân nơi đây phải thay nhau thức canh để giữ lại đất nhưng dường như vô vọng. Từng đoàn ghe của các “tập đoàn cát tặc” ngày đêm vẫn hút trộm khiến những mảnh đất vườn bị kéo chìm dần xuống sông.

img
“Cát tặc” nhấn chìm ghe, tháo chạy trong một lần cơ quan chức năng truy kích

Tiếng hù dọa trong đêm

Một đêm đầu tháng 3, chúng tôi có mặt ở khu vực ven sông, thuộc địa bàn xã Tân Hạnh - TP Biên Hòa. 21 giờ, trên sông vẫn còn thuyền bè qua lại. Lúc này, từ giữa sông, một chiếc ghe cập cách bờ khoảng 15 m, rồi cắm sào đậu lại. Trên chiếc ghe dài gần 10 m, 5 người đàn ông cởi trần, hì hục luồn ống hút to khoảng một vòng tay người ôm xuống đáy sông.
Phút chốc, tiếng máy nổ to hơn, hòa với tiếng rào rào của cát, tiếng nước chảy ồng ộc từ một vòi khác từ trên ghe đổ trả lại mặt sông. Chỉ thoáng sau, cát tràn lên thành đống cao trong lòng ghe. Đi cùng chúng tôi, ông Hai Làng bất ngờ hét lớn: “Bà con ơi, trộm cát, bọn trộm cát bà con ơi”. Rồi 2 tay 2 chiếc đèn pin, ông lia ra phía mặt sông, quét qua lại liên tục như muốn soi rõ mặt người. Bất ngờ trước tình huống này, nhóm “cát tặc” vội thu đồ nghề, bỏ chạy.  

23 giờ, tại khu vực thuộc phường Bửu Long. Đang trò chuyện với chúng tôi bên hiên nhà, ông Mười Sang bất ngờ chộp lấy đèn pin, lao ra bờ sông hét lớn: “Chu cha quân trộm cát, chúng mày có biến đi không”. Trên sông, cách bờ khoảng 30 m, 2 chiếc ghe đang cấp tập bơm, hút. Khi ông Mười Sang dứt lời, chúng tôi nghe một tiếng “bịch” ngay bên mình, cúi xuống nhặt lên là một một viên gạch được “cát tặc” ném từ dưới ghe lên. “Về thôi, chúng ném đá đó” - ông Mười Sang nói rồi kéo tay chúng tôi, vội vã quay về.

Theo ông Trần Văn Lai (ngụ xã Hiệp Hòa), người dân vùng này bức xúc lắm cũng chỉ dùng được “chiêu thức” đó thôi, còn lộ mặt tuyên chiến với đám “cát tặc” thì sớm muộn gì cũng bị trả thù. “Con cháu tôi bơi thuyền ra nói chuyện phải trái, liền bị chúng dùng rựa chém tét đầu phải nhảy xuống sông bơi vào, đến giờ vẫn còn sợ” - ông Lai nói.

img
Hằng đêm, người dân chỉ biết dùng đèn pin để xua đuổi “cát tặc”

Nước mắt bên sông

Nhà anh Lê Văn Phúc (khu phố 2, phường Bửu Long) nằm sát bờ sông Đồng Nai, có một vườn hoa màu rộng khoảng 2 ha, đủ để gia đình sinh sống. Hai năm nay, vườn nhà anh Phúc bị khoét hàm ếch vào sâu đến hơn 3 m. “Mất đi cả mấy sào đất màu, đau lắm nhưng chẳng biết làm sao” - anh Phúc than thở. Trong khi đó, ông Huỳnh Hải, chủ một vườn bưởi xanh tốt bên bờ sông thuộc xã Hiệp Hòa, cũng không nguôi nỗi đau khi hàng chục gốc bưởi đem lại thu nhập cho gia đình lần lượt trôi tuột theo dòng nước.
Xã Hiệp Hòa vốn là phần đất được bao bọc bởi sông Đồng Nai, thế nhưng những năm qua, con nước cứ ngoạm dần những phần đất còn lại của nhiều gia đình. “Người ta nói dòng sông bên lở bên bồi, quy luật thì đành chịu nhưng ở đây bên nào cũng lở, tôi không trách sông mà trách con người tàn ác” - người đàn ông hai màu tóc ứa nước mắt nói đầy cay đắng.
Không chỉ mất đất vườn, những căn nhà cũng bị kéo xuống sông do tình trạng khai thác cát vô tội vạ. Nhà bà Nguyễn Thị Tình (xã Hiệp Hòa) nằm cách bờ sông Đồng Nai khoảng 10 m. Cách đây vài năm, gia đình bà vẫn thường ra bờ sông giặt giũ, hóng mát. Thế nhưng, từ ngày “cát tặc” chọn khúc sông này “làm ăn”, chỉ một thời gian ngắn, căn nhà bà bị đe dọa mỗi khi con sóng vỗ ngay sát vách.
“Tôi bỏ ra hơn 20 triệu đồng mua gỗ, tràm về kè lại, cũng chỉ đỡ được phần nào rồi lại bị xói lở mà trôi dần” - bà Tình nói. Nhà bà Lý Thị Thinh, ở gần bến đò thuộc phường Bửu Long, từ khi “cát tặc” lộng hành, nhà bà phải dời vào trong hơn 30 m.

Xa hơn, những nhà dân ven sông thuộc các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, đất vườn và nhà cứ bị đe dọa trôi theo hà bá mà những người dân hiền lành, chân chất chẳng thể làm gì được. “Cát tặc thường là người địa phương liên kết với người lạ hoạt động ngang nhiên. Họ rất hung hãn, chúng tôi mất tài sản đau lắm cũng không dám ra mặt. Báo chính quyền nhiều lần  nhưng không giải quyết được gì!” - một người dân than thở.

Bắt cóc bỏ dĩa?!

Trước tình hình “cát tặc” băm nát sông Đồng Nai, thời gian qua, Đội Cảnh sát Môi trường Công an TP Biên Hòa, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng CSGT Đường thủy Công an tỉnh Đồng Nai tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý nhưng tình hình vẫn như “bắt cóc bỏ dĩa”. Khi bị bắt, “cát tặc” sẵn sàng nhấn chìm ghe để tẩu tán tang vật, thậm chí chống lại lực lượng chức năng. Trong năm 2012, Công an TP Biên Hòa phát hiện 18 vụ khai thác cát lậu, thu giữ 27 ghe các loại nhưng tình hình vẫn không thuyên giảm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo