Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
“Từ khi chính quyền Lee Myung-bak nắm quyền hồi tháng 2-2008, Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu truy theo dấu vết hơn 200 tài khoản Triều Tiên được cho là có dính líu tới những vũ khí phá huỷ hàng hoạt, xuất khẩu dược phẩm…” tờ báo uy tín Hàn Quốc Chosun Ilbo dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết hôm 11-3.
Sau khi Mỹ đóng băng các tài khoản của cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il ở Ngân hàng Banco Delta Asia (Macau) năm 2005, Bình Nhưỡng đã chia nhỏ tiền của mình và “rải” ra nhiều tài khoản khác nhau dưới những cái tên khác nhau. Theo đó, nhiều tài khoản của Triều Tiên được mở theo biệt danh ở Châu Á, Châu Âu và Trung Mỹ.
"Triều Tiên dùng những tài khoản nhỏ để đỡ gây chú ý đến người đứng tên hơn hoặc mở tài khoản dưới tên người nước ngoài hoặc các công ty”, một nguồn tin cho biết. Trước đây Triều Tiên ưa dùng các tài khoản ở Châu Âu nhưng sau đó lại chuyển sang Trung Quốc.
Nguồn tiền
Các cơ quan tình báo tin rằng phần lớn số tiền đều thuộc về nhà lãnh đạo Kim Jong-un và được dùng để mua các hàng hoá xa xỉ. Một nguồn tin cho biết: “Nền kinh tế Triều Tiên được chia thành kinh tế chính thức, kinh tế quân sự và kinh tế lãnh đạo liên quan tới Kim Jong-un”.
“Ngoài ra số tiền còn bao gồm khoản dự trữ cho các tình huống khẩn cấp”, một nguồn tin khác cho biết thêm.
Phần lớn số tiền đều là ngoại tệ thu được từ các hoạt động kinh doanh của Triều Tiên gắn liền với quân sự hoặc các lợi ích chính phủ khác. Một phần tiền đến từ các hoạt động như buôn bán các sản phẩm nông sản, ngư nghiệp, khoáng sản và các lao động Triều Tiên ở nước ngoài. Tuy nhiên thu nhập lớn (khoảng 200-300 triệu USD/năm) lại từ các hoạt động bán vũ khí, cigarette…cho tới khi Liên Hiệp Quốc bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt năm 2009.
Liên hệ với mafia Nga
Hiện chưa rõ ai là người quản lý số tiền khổng lồ ở các tài khoản nước ngoài nói trên của Triều Tiên. Jon Il-chun, một người bạn thân tín của cố lãnh đạo Kim Jong-il được cho là không còn đảm nhiệm vị trí này nữa. Một số nguồn tin cho rằng ông Ri Chol – cựu đại sứ Triều Tiên tại Thuỵ Sỹ đang làm nhiệm vụ này.
Theo Chosun Ilbo, kể từ khi giới chức cấp cao và các cơ quan nhà nước Triều Tiên bị cấm tham gia các hoạt động tài chính nước ngoài, Bình Nhưỡng đang dựa vào mafia Nga để rửa tiền và vận hành các tài khoản bí mật.
"Đại sứ quán Triều Tiên ở Nga đã rửa tiền được gửi từ Bình Nhưỡng”, một số quan chức đào tẩu cho biết.
Bình luận (0)