Ứng dụng giúp nhắn tin, điện thoại miễn phí trên di động (còn gọi là dịch vụ cung cấp nội dung trên nền mạng viễn thông OTT - over - the - top content) thu hút hàng triệu người dùng ở Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Các dịch vụ này làm các nhà mạng trong nước lo ngại bị cạnh tranh, chia sẻ doanh thu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự phát triển mạnh của các OTT đang là xu hướng không thể tránh khỏi và cần sự hợp tác giữa các nhà mạng và các OTT.
Hơn 6,5 triệu người dùng
Nguyên nhân sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng OTT là do số lượng người sử dụng smartphone ngày càng tăng cao. Đồng thời các công nghệ kết nối như WiFi hay 3G ngày càng phổ biến. Việc sử dụng các ứng dụng OTT càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Người dùng chỉ cần vào các kho ứng dụng trên nền tảng iOS, Android, BlackBerry, Windows Phone, tải về các ứng dụng này, cài đặt và đăng nhập là có thể sử dụng được ngay. Và chỉ cần kết nối smartphone vào mạng internet thông qua WiFi hay 3G là bất cứ lúc nào người dùng cũng có thể sử dụng các dịch vụ trên.
Anh Vũ Nguyên, một nhân viên văn phòng tại TPHCM, cho biết anh và rất nhiều bạn bè đều đang sử dụng các ứng dụng như LINE, Viber, WhatsApp... “Tôi nghĩ đây là xu hướng công nghệ rất phù hợp và cần thiết vì chúng có thể giúp người dùng kết nối với nhau nhanh chóng, dễ dàng hơn, tiết kiệm được nhiều chi phí” - anh Nguyên cho biết.
Theo công bố mới đây của các OTT thì tại Việt Nam, tính đến nay Viber hiện có 3,5 triệu người dùng, LINE có 1 triệu người dùng, Zalo có 2 triệu người dùng... Con số ấy cho thấy các ứng dụng OTT đang có sự tăng trưởng chóng mặt dù chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam 1-2 năm qua.
Muốn hợp tác với nhà mạng
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ Thông tin - Truyền thông diễn ra vào tháng 12-2012, đại diện Viettel cho biết dịch vụ OTT đang là nguy cơ với các doanh nghiệp viễn thông. Theo Viettel, nguồn thu phần lớn của các doanh nghiệp viễn thông (khoảng 80%) đến từ thoại, nhắn tin, thế nhưng với các dịch vụ OTT lại miễn phí, vì thế Bộ Thông tin - Truyền thông nên có chính sách quản lý dịch vụ OTT. Nhiều doanh nghiệp viễn thông còn để xuất chặn hoặc kiểm soát các dịch vụ OTT. Đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết các dịch vụ OTT đang là xu hướng phát triển của thế giới, do đó đòi hỏi các nước phải có chính sách quản lý linh hoạt. Cục Viễn thông sẽ tổ chức hội thảo để đưa ra chính sách quản lý phù hợp.
Khi được hỏi về việc có khả năng các dịch vụ OTT sẽ bị các nhà mạng phản ứng, ngăn chặn tại Việt Nam, ông Nguyễn Phong Lộc, đại diện NHN - nhà phát hành ứng dụng LINE tại Việt Nam, cho biết dịch vụ OTT đang là xu hướng của thế giới và tại nhiều quốc gia, phần lớn các nhà mạng đều hợp tác với các OTT. Người dùng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ OTT, do đó hợp tác là điều nên làm thay vì cạnh tranh và điều này sẽ giúp có lợi cho nhà mạng lẫn các OTT và người dùng. Hiện LINE đã làm việc với 2 nhà mạng lớn của Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi, ông Lộc cho hay.
Phát triển nhanh chóng Tuy chỉ mới xuất hiện trên thị trường trong vòng 2-3 năm qua, song các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí trên di động hiện đã lan rộng và thu hút mạnh mẽ khắp toàn cầu. Đơn cử hiện ứng dụng OTT Viber có 175 triệu người dùng chỉ sau 1 năm ra mắt, ứng dụng LINE có 110 triệu người dùng trên 230 quốc gia chỉ sau 19 tháng ra mắt, Kaokao Talk hiện có 72 triệu người dùng… Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, các nhà mạng đã bắt đầu bắt tay với các dịch vụ OTT để phát triển và đáp ứng nhu cầu người dùng đang ngày càng tăng cao. |
Bình luận (0)