* Phóng viên: Thực tế hiện nay có nhiều người không biết ngày 14-3-1988, đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm, 64 chiến sĩ đã ngã xuống. Việc này phải chăng bắt nguồn từ sự thông tin chưa rộng rãi và thường xuyên, thưa ông?
- Ông Trần Công Trục: Đúng là có một bộ phận người dân, trong đó có cả giới trẻ không biết đến sự kiện ngày 14-3-1988 vì lý do trên hoặc chưa thực sự quan tâm đến chủ quyền của đất nước. Nhưng nếu sự kiện này được thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua tuyên truyền, giảng dạy trong nhà trường… thì số người dân không biết đến nỗi đau, sự mất mát này sẽ không nhiều như hiện nay.
Vừa qua, nhiều cơ quan báo chí đã thông tin dày đặc về sự kiện này. Có nhiều bài viết tôn vinh những liệt sĩ quả cảm đã hy sinh khi chống lại sự xâm chiếm của hải quân Trung Quốc. So với nhiều năm qua, đây là sự chuyển biến rất tốt trên mặt trận tuyên truyền. Việc này cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Không chỉ sự kiện Gạc Ma mà sự kiện 19-1-1974, Hoàng Sa bị xâm chiếm, hay cuộc xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979 của Trung Quốc cũng cần được ghi nhận một cách khách quan.
Vì những lý do nào đó mà sự đau thương, mất mát này đã bị bỏ qua nhưng trái tim người Việt luôn rỉ máu, tâm tư người Việt luôn nghĩ về mất mát biển đảo, biên giới của Tổ quốc.
* Theo ông có điều gì phải ngại ngần khi có những cuộc chiến với sự mất mát không nhỏ lại ít được nói đến?
- Quan hệ chính trị, ngoại giao giữa 2 quốc gia là sự kết tinh của nhiều quan hệ khác xây dựng lên. Nhưng điều đó không có nghĩa vì quan hệ hiện nay mà những xung đột, những bất công mà bên này dành cho bên kia lại có thể khép lại một cách hoàn toàn và vĩnh viễn. Bởi máu thịt của nhiều thế hệ, đất đai, lãnh thổ của cha ông, của dân tộc này đã mất mát không gì có thể lớn hơn, giá trị hơn để vùi nó xuống. Cho dù chúng ta không nói đến thì nhân loại, cả thế giới và chính dân tộc bên kia vẫn cứ nhắc đến.
Nếu chúng ta không công khai thì công luận thế giới và chính người dân Trung Quốc có thể hiểu sai về sự thật lịch sử. Đừng nghĩ rằng nói sự thật là ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao. Quan hệ có bền chắc phải dựa trên sự bình đẳng và trung thực giữa 2 bên.
* Cần phải phổ biến, tuyên truyền về sự kiện 14-3-1988 như thế nào, thưa ông?
- Ngoài việc phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sự kiện này cần được đưa vào sách giáo khoa, cũng như những tuyên bố chính thức từ phía Nhà nước. Đặc biệt, phải tính tới việc tổ chức lễ tưởng niệm mang tầm quốc gia đối với những sự kiện biển đảo bị xâm chiếm. Lẽ thường, đối với người đã khuất, hằng năm đều có ngày giỗ thì không lý gì những anh hùng đã hy sinh khi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lại không có một ngày để tưởng niệm. Đây chính là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Những anh hùng liệt sĩ vẫn theo suốt chúng ta, xem chúng ta ứng xử với sự hy sinh của họ cũng như đối với chính đất nước này. Chúng ta làm điều này không phải để chống ai, bài xích ai mà là giữ đạo lý của mình và bảo vệ lẽ phải.
Tất cả những việc này nhằm để mọi người dân Việt Nam ở trong nước và khắp thế giới đều biết đến ngày 14-3-1988 chứ không phải như hiện nay, có không ít người dân hoàn toàn bất ngờ khi được hỏi đó là sự kiện gì? Các cơ quan Nhà nước, lãnh đạo qua nhiều thế hệ, trong đó có cả tôi, phải chịu trách nhiệm về sự “không biết” này.
Bình luận (0)