Bộ Y tế đang triển khai đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ cho ngành dược nước ta phát triển bền vững, bảo đảm nguồn cung ứng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người dân hướng đến ít còn lệ thuộc vào thuốc nhập khẩu.
Bẫy nghèo do tiền thuốc
Theo Bộ Y tế, trong những năm qua, chi phí tiền thuốc của người bệnh không ngừng tăng lên. Năm 2007, chi phí tiền thuốc của người bệnh là 17 USD/năm thì đến năm 2012 đã tăng lên tới gần 30 USD/năm. Trong đó, tiền thuốc chiếm 60% tổng chi phí khám chữa bệnh của người dân.
Tỉ lệ tiền mua thuốc sản xuất tại Việt Nam và thuốc ngoại nhập của bệnh viện các tuyến năm 2010 là 15.000 tỉ đồng, trong đó tỉ lệ tiền mua thuốc nội chiếm 38,7%. Con số này năm 2008 là 1,1 tỉ USD; năm 2009 là 1,2 tỉ USD; năm 2013 khoảng 1,7 tỉ USD.
Hệ thống nhà thuốc bình ổn giá giúp cho người bệnh được tiếp cận nguồn thuốc tốt, giá cả phù hợp.
Trong ảnh: Điểm bán thuốc bình ổn giá tại nhà thuốc Nhị Trưng - TPHCM
Ảnh: QUỐC THẮNG
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết với gần 180 doanh nghiệp (DN) sản xuất thuốc hiện nay, nước ta đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc chữa bệnh của người dân. Các nhà máy sản xuất thuốc trong nước đều đạt chuẩn quốc tế (GMP), đầu tư công nghệ, chất lượng sản phẩm tốt, giá thành rẻ hơn nhiều so với thuốc ngoại cùng loại…
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho rằng tiền thuốc quả là một gánh nặng đối với người bệnh và xã hội. Việc tăng tỉ lệ dùng thuốc Việt sẽ góp phần giảm chi phí chữa bệnh. Từ đó, người bệnh sẽ không rơi vào bẫy nghèo do chi phí y tế quá lớn. Khi tỉ lệ thuốc sản xuất trong nước cung ứng vào bệnh viện tăng lên, đồng nghĩa với việc giảm chi phí cho ca điều trị nói chung.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay hơn 70% dân số Việt Nam ở khu vực nông thôn vẫn đang hết sức khó khăn, chỉ cần có đủ thuốc để chữa khỏi bệnh chứ không nhất thiết dùng thuốc nhập ngoại đắt tiền. “Các bệnh viện đang dùng tiền bảo hiểm, dùng tiền viện phí do nhân dân đóng góp để mua thuốc nên lựa chọn thuốc sản xuất trong nước có giá rẻ hơn những loại thuốc nhập ngoại tương đương” - bộ trưởng lưu ý.
Phụ thuộc tâm lý bác sĩ, người bệnh
Theo ông Nguyễn Ngọc Vinh, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc của Bộ Y tế tại TPHCM, mỗi năm viện kiểm nghiệm hơn 2.000 mẫu thuốc cả nội lẫn ngoại. Qua kiểm nghiệm cũng cho thấy chất lượng tân dược sản xuất trong nước không thua kém thuốc nhập khẩu. Thế nhưng, thuốc nội vẫn lép vế trước thuốc ngoại.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, hiện nay tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam ở tuyến Trung ương chỉ khoảng 12%, tuyến tỉnh trên 40%, cao nhất là tuyến huyện trên 50%. Đa số thuốc đấu thầu vào được các bệnh viện vẫn là thuốc ngoại. Có những loại thuốc có cùng hoạt chất, công dụng, trong nước sản xuất được nhưng thuốc ngoại vẫn có giá trúng thầu cao hơn.
Lý giải vấn đề này, các chuyên gia cho rằng không chỉ người bệnh mà ngay cả các thầy thuốc trong nghề cũng tỏ ra băn khoăn về chất lượng thuốc sản xuất trong nước. Có bác sĩ nói vẫn biết rằng ưu tiên sử dụng thuốc nội nhưng muốn lựa chọn sử dụng thuốc nào thì tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất vẫn phải là an toàn, hiệu quả, sau đó mới đến giá cả. Cả nước hiện có gần 180 DN sản xuất thuốc nhưng chủ yếu vẫn sản xuất nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn (kháng sinh), vitamin, thuốc bổ..., còn các thuốc đặc trị lại chưa nhiều.
Nguyên nhân thuốc nội chưa được sử dụng nhiều còn vì người thầy thuốc chưa thay đổi nhận thức, thói quen, còn vì nguồn thu nhập của các bác sĩ kê đơn. Đối với các bệnh viện, có thể đã không chỉ đạo quyết liệt khối điều trị phải ưu tiên sử dụng thuốc nội do sợ giảm đáng kể nguồn thu (vì hầu hết các bệnh viện đều hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính).
Đối với người có thu nhập cao, vẫn có tâm lý sính ngoại và họ không tiếc tiền cho chi phí khám chữa bệnh. Thuốc cũng là mặt hàng nên cũng tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, phải bảo đảm các tiêu chí chất lượng, hiệu quả, an toàn, giá cả hợp lý.
Hệ thống nhà thuốc bình ổn giá giúp cho người bệnh được tiếp cận nguồn thuốc tốt, giá cả phù hợp.
Trong ảnh: Điểm bán thuốc bình ổn giá tại nhà thuốc Long Châu - TPHCM Ảnh: QUỐC THẮNG
Cần giải pháp đồng bộ
Vậy giải pháp nào để tăng tỉ lệ sử dụng thuốc nội, người bệnh không quay lưng với thuốc Việt? Hầu hết ý kiến cho rằng nên tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy, tạo niềm tin cho người dân, cơ sở y tế tăng cường sử dụng thuốc nội. Ông Trương Quốc Cường nhấn mạnh vai trò của bác sĩ là quyết định tất cả, bởi người bệnh không tự quyết định chọn thuốc mà phải do thầy thuốc chỉ định.
Theo ông Nguyễn Quý Sơn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Dược Việt Nam, cách tốt nhất là tuyên truyền thay đổi ý thức “sính ngoại”. Muốn làm điều này, nhà sản xuất dược phải chứng tỏ chất lượng sản phẩm của mình. “Bảo người dân dùng mà thuốc không trị hết bệnh thì ai tin” - ông Sơn băn khoăn.
Theo PGS-TS Lê Văn Truyền, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, để vận động tốt người dân dùng thuốc Việt cần ban hành các quy chế, chính sách khả thi có tác dụng khuyến khích các DN và cơ sở điều trị; đầu tư nâng chất lượng; tăng cường thông tin tuyên truyền. Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng Giám đốc Công ty Dược Hậu Giang, kiến nghị cho phép tăng chi phí quảng cáo, tiếp thị của DN dược trong nước, đừng khống chế 10% doanh thu như hiện nay.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng thuốc là một mặt hàng đặc biệt nên không phải cứ rẻ mà người dân sử dụng. Muốn người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt, cần giải quyết vấn đề làm thế nào để người dân tin tưởng vào thuốc nội. Thế nhưng, chỉ vì tâm lý “sính ngoại”, thiếu thông tin về chất lượng thuốc nội nên nhiều người dân chỉ tin dùng thuốc ngoại. “Thuốc là mặt hàng đặc thù, quyền quyết định chủ yếu ở thầy thuốc. Vậy nên việc vận động người Việt Nam ưu tiên sử dụng thuốc Việt Nam cần bắt đầu từ chính ngành y” - một chuyên gia góp ý.
Để đưa thuốc nội đến với người bệnh nhiều hơn, các DN cần tạo niềm tin trong giới thầy thuốc qua việc sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, lưu ý sản xuất thêm những loại thuốc đặc trị với giá cả hợp lý bởi hiện nay người bệnh đang rất cần mà trong nước chưa có, người bệnh phải mua với giá cao.
(PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM) |
2.000 điểm bán thuốc bình ổn giá tại TPHCM
Trong khuôn khổ triển khai đề án trên, ngày 16-3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Pymepharco tại tỉnh Phú Yên. Bà Hồng đánh giá cao đóng góp của đơn vị này khi tham gia chương trình bình ổn giá thuốc do TP phát động, đưa thuốc Việt đến với người bệnh. Năm nay đơn vị này tham gia bình ổn với hơn 60 sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng: Năm 2013 sẽ đưa thêm nhiều loại thuốc đặc trị vào chương trình bán thuốc bình ổn giá và phải có giải pháp quyết liệt hơn để đưa thuốc nội phủ rộng trong các nhà thuốc Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Bà Hồng cho rằng chương trình bình ổn giá thuốc của TPHCM đã gây tiếng vang và ngày càng được triển khai hiệu quả. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo ngành y tế TP tìm mọi giải pháp giúp người dân tiếp cận thuốc Việt với giá rẻ nhưng với chất lượng tốt.
Sau 2 năm triển khai hiện TPHCM có hơn 2.000 điểm bán thuốc bình ổn giá. Năm 2013 sẽ đưa thêm nhiều loại thuốc đặc trị vào chương trình bán thuốc bình ổn giá và phải có giải pháp quyết liệt hơn để đưa thuốc nội phủ rộng trong các nhà thuốc, đồng thời cũng giúp cho các DN đưa được thuốc đến bệnh viện. Đặc biệt, phải nêu cao trách nhiệm của lãnh đạo các bệnh viện trong việc sử dụng thuốc Việt. Việc quảng bá sản phẩm phải đủ cơ sở khoa học để thuyết phục bác sĩ kê toa, thay đổi nhận thức tiêu dùng. |
Bình luận (0)