xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giảm thuế cứu doanh nghiệp

TÔ HÀ

Chính phủ đề xuất giảm thuế suất phổ thông từ mức 25% hiện nay xuống còn 23%; nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ chịu thuế suất 20%

Ngày 18-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã họp phiên thứ 16, cho ý kiến về dự thảo sửa đổi hai luật thuế quan trọng là thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

img
Quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là thuế thấp, doanh nghiệp mới làm ăn được.
Trong ảnh: Sản xuất hàng điện tử tại Công ty Dịch vụ Phú Nhuận (TPHCM). Ảnh: HỒNG THÚY

Giữ nguyên ưu đãi thuế GTGT

Theo chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020, thuế GTGT sẽ giảm bớt nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 0% và 5%, tiến tới chỉ còn một mức thuế suất. Tuy nhiên, tại dự thảo lần này, Chính phủ vẫn đề xuất giữ nguyên 3 mức thuế suất là 0%, 5% (đối với các mặt hàng được ưu đãi thuế) và mức phổ thông 10%, đồng thời điều chỉnh giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ thuộc diện chịu thuế suất 0% và 5%. Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết chưa đề xuất thực hiện thống nhất một sắc thuế để giữ nguyên ưu đãi cho các đối tượng khó khăn. 

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, Ủy ban TVQH cho rằng chưa nên giảm bớt nhóm mặt hàng được hưởng thuế suất ưu đãi 0% và 5% để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý đây là sắc thuế thu trực tiếp từ người dân, trong khi chưa có gì bảo đảm đời sống sẽ được nâng lên trong năm tới thì chưa vội tiến đến áp dụng chung một mức thuế suất để không tác động lớn đến các đối tượng đang hưởng ưu đãi.

Đáng lưu ý là trong 7 nội dung Chính phủ đề xuất sửa đổi thì có 6 nội dung đề nghị “giao Chính phủ quy định”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận xét dự thảo còn sơ sài vì linh hồn của sắc thuế là thuế suất thì vẫn giữ nguyên trong khi một số vấn đề quan trọng lại chưa được làm rõ. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói sửa 7 nội dung mà 6 nội dung giao cho Chính phủ thì không cần sửa luật, chỉ cần Chính phủ sửa nghị định.

img
Sản xuất hàng điện tử tại Công ty Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) Ảnh: HỒNG THÚY

Giảm 2% là phú quý giật lùi!

Đối với thuế TNDN, Chính phủ đề xuất giảm thuế suất phổ thông từ mức 25% hiện nay xuống còn 23%; nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí chịu thuế 35% - 50%; doanh nghiệp quy mô nhỏ có 200 lao động, doanh thu 20 tỉ đồng/năm chịu mức thuế suất 20%. Các doanh nghiệp hưởng thuế 20% có số lượng lớn (chiếm hơn 80% tổng số doanh nghiệp) nhưng số thuế nộp hằng năm chỉ chiếm 39%. 

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu bà Mai cho biết có giảm ngay được thuế suất xuống 20% hay không và miễn thuế cho ngư dân đánh bắt cá, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn vùng sâu vùng xa còn khó khăn thay vì áp thuế suất 10% như dự thảo. Bà Mai giải thích Chính phủ đã tính toán khả năng đưa thuế suất thuế TNDN về mức 20% nhưng như vậy sẽ khiến ngân sách giảm thu lớn, vì giảm 1% thuế làm giảm thu ngân sách 6.000 tỉ đồng, tính chung cả năm 2014 sẽ giảm thu 14.000 tỉ đồng. Cùng thời điểm này, Luật Thuế Thu nhập cá nhân có hiệu lực sẽ khiến ngân sách giảm thu thêm 13.500 tỉ đồng nữa.

Không bằng lòng, Chủ tịch QH nói: “Chỉ tính giảm thuế sẽ mất mấy chục ngàn tỉ đồng nhưng chưa tính nhờ giảm 1% mà có thêm 6 hay 10 doanh nghiệp làm ăn được, thu thêm bao nhiêu. Như thế là không khách quan” và khẳng định “Thuế thấp, doanh nghiệp mới làm ăn được; thuế cao, người ta sẽ tìm cách gian lận”. Với quan điểm đó, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng quả quyết: “Sửa đổi thuế TNDN lần này chỉ giảm 2% là phú quý giật lùi. Tôi mà là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi chỉ thu 20%, không lẻ mẻ thế”.

Cùng ngày, Ủy ban TVQH đã thông qua Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và cho ý kiến về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Báo in được áp thuế suất 10%

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo) được áp dụng thuế suất 10% thay vì chịu mức thuế chung là 23%. Những hoạt động khác của cơ quan báo chí như chuyển nhượng bất động sản, tổ chức sự kiện, kinh doanh khách sạn, du lịch,... vẫn chịu mức thuế suất chung là 23%. Báo điện tử, báo hình, báo nói không được hưởng ưu đãi này và phải chịu thuế suất phổ thông 23%.

ÔNG LÝ TRƯỜNG CHIẾN, CHỦ TỊCH TRÍ TRI CORP:

Nên giảm còn 15% - 16%

Trước mắt, khó có thể giảm thuế sâu hơn nữa nhưng đây là dấu hiệu bước đầu và cần có lộ trình ngắn hạn và trung hạn để điều chỉnh dần mức thuế TNDN xuống còn dưới 20%, nếu được thì ở mức 15%-16%. Chẳng hạn, hiện tại giảm 2% còn 23%, sau 6 tháng sẽ giảm tiếp 3% và giữa năm sau tiếp tục giảm còn 15%-16%. Với mức giảm sâu này sẽ tạo điều kiện, khuyến khích cho doanh nghiệp giữ lại một phần lợi nhuận để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Giảm 2% nhưng đến năm 2014 mới áp dụng thì quá ít và quá chậm.

TS TRẦN HOÀNG NGÂN, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TPHCM:

Mong chờ giải pháp đồng bộ

Trong điều kiện hiện nay, mặc dù mức giảm chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp nhưng giảm thuế được đồng nào thì mừng đồng đó. Chính phủ cũng đã có thông điệp sẽ tiếp tục có lộ trình giảm thuế trong thời gian tới. Xét trên tổng thể, vấn đề không chỉ là giảm thuế TNDN bao nhiêu phần trăm mà quan trọng nhất là làm sao cho doanh nghiệp có lãi để đóng thuế. Doanh nghiệp rất cần được quan tâm tạo nguồn vốn với lãi suất phù hợp để đầu tư sản xuất kinh doanh. Song song đó là các giải pháp giảm thuế GTGT, giảm phí và thủ tục hành chính…
T.Nhân ghi
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo