Đó chỉ là con số khảo sát ở một tỉnh. Riêng giáo sinh ngành sư phạm ra trường ở nhiều địa phương cũng thất nghiệp dài dài như ở Ninh Thuận, Phú Yên, Hà Nội… Chỉ riêng Thanh Hóa đã dôi dư hơn 3.000 giáo viên THCS. Nói chung, ngành sư phạm rất khó kiếm việc làm. Từ đó, các trường sư phạm rất khó tuyển sinh. Hiện toàn quốc có 330 cơ sở đào tạo hệ sư phạm, trong đó có 14 trường chuyên đào tạo sư phạm, hằng năm đào tạo hàng ngàn giáo viên với nhiều chuẩn khác nhau dù học cùng chương trình. Tình trạng giáo sinh ra trường thất nghiệp, xin việc làm hết sức khó khăn khiến ngay cả Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng rất khó tuyển sinh. Trong mùa tuyển sinh năm 2012, một số khoa của trường này chỉ tuyển bằng điểm sàn mà vẫn không đủ chỉ tiêu.
Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp các trường kinh tế, tài chính, ngân hàng cũng phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp như hiện nay. GS Nguyễn Lân Dũng có lần đã dẫn chứng rằng không ít sinh viên tốt nghiệp phải đi “tiếp thị mì tôm” và từ đó, cụm từ “cử nhân mì tôm” ám chỉ việc sinh viên ra trường thất nghiệp, phải đi làm những công việc đơn giản.
Một trường ĐH lớn và nổi tiếng nhất miền Bắc như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội có 26,2% số cử nhân ra trường không có việc làm; 70,8% số cử nhân có việc làm nhưng đa phần làm trái ngành nghề; chỉ 19% làm đúng ngành nghề được đào tạo. Thống kê chính thức của Bộ GD-ĐT vào năm 2011 cho thấy có tới 63% số sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường, con số này ở năm 2012 chắc chắn cao hơn.
Có thể thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường bị thất nghiệp, làm trái nghề, ngoài chất lượng đào tạo, việc nền kinh tế nước ta vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng thất nghiệp đối với nguồn nhân lực được đào tạo ở bậc ĐH, CĐ, TCCN.
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh không thay đổi nhiều so với năm trước, dù nhiều trường đã bị Bộ GD-ĐT cắt nhiều chỉ tiêu, có trường cắt đến 10.000 chỉ tiêu như ĐH Công nghiệp TPHCM nhưng đã có nhiều trường ĐH, CĐ ngoài dân lập “đón” các chỉ tiêu bị cắt này. Số chỉ tiêu đó có thể phù hợp với việc quy hoạch nguồn nhân lực cho nền kinh tế nhưng vấn đề quan trọng là phải bảo đảm chất lượng đào tạo, nếu không sẽ tạo thêm nhiều “cử nhân mì tôm”.
Trách nhiệm đó thuộc về các cơ sở đào tạo nhưng cũng là thách thức cực lớn với Bộ GD-ĐT.
Bình luận (0)