Một sô diễn của người mẫu ngoại trên sàn catwalk Việt Nam
Ảnh: ĐÀO TRANG
Nhu cầu mẫu ngoại
Với chiều cao lý tưởng, vóc dáng chuẩn và đặc biệt là nụ cười tươi, thân thiện luôn thường trực trên môi, Andrea Aybar Carmona, cô gái 16 tuổi, người Tây Ban Nha, xuất hiện khiến buổi giới thiệu dòng xe mới của hãng Rebel USA tạo sức hút mạnh mẽ với công chúng.
Không chỉ có Andrea, những gương mặt khác như người mẫu Pháp gốc Việt Marc Guihem (nghệ danh Marcus), cô gái người Nga Katya Kazanova, người mẫu Thụy Điển xinh đẹp Viola Johansson, người mẫu gốc Nga Saphi Lina hay nam người mẫu gốc Tây Ban Nha Nacho Navarro Regne… ngày càng quen thuộc với công chúng yêu thích thời trang ở các sàn diễn thời trang Việt Nam dù sự xuất hiện của họ không mấy rầm rộ.
Người mẫu Thúy Hạnh khẳng định: “Nhu cầu của khách hàng hoạt động trong lĩnh vực thời trang về các gương mặt người mẫu ngoại đang tăng cao. Việc sử dụng hình ảnh người mẫu ngoại trong các quảng cáo cho các sản phẩm sẽ làm phong phú thêm hình ảnh của nhãn hàng cần quảng bá. Điều này lý giải vì sao người mẫu ngoại ngày càng được ưa chuộng và xuất hiện nhiều ở thị trường thời trang Việt Nam”.
Nhiều nhà cung cấp nhãn hàng thời trang xuất xứ từ châu Âu hay Mỹ cũng muốn sản phẩm của mình được giới thiệu tại Việt Nam bởi các người mẫu ngoại quốc; một số hãng xe hơi muốn người mẫu quảng cáo phải là các cô gái mắt xanh, tóc vàng để tạo ấn tượng cho khách hàng. Ngoài ra, cũng có những công ty thời trang muốn hướng đến đối tượng khách hàng là người nước ngoài nên cũng dùng người mẫu ngoại để quảng cáo.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều công ty người mẫu đã tuyển dụng hàng loạt người mẫu ngoại để cung cấp cho thị trường trình diễn thời trang tại Việt Nam và làm nhân vật quảng cáo trong các sản phẩm hàng hóa. Trong đó, thường xuyên giới thiệu người mẫu ngoại là Công ty Người mẫu Elite. Ngoài Elite, 2 công ty chuyên về người mẫu gồm Công ty Tsquared do người mẫu Việt kiều Tommy Trần thành lập (có thể xem là đơn vị tiên phong trong việc đưa người mẫu nước ngoài về trình diễn) và Công ty Venus.
Cuộc cạnh tranh không cân sức
“Trước đây, nơi các người mẫu mới vào nghề thường chọn là thị trường Nhật, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore… thì nay có thêm Việt Nam vì đơn giản thị trường thời trang Việt Nam đang có những bước tiến bộ đáng kể” - nhà thiết kế Minh Hạnh nói.
Người mẫu Pháp gốc Việt Marcus cho rằng hiện nay, nhiều người mẫu Việt ít thông thạo tiếng Anh nên cơ hội tiếp cận với thế giới rất thấp. Người mẫu nước ngoài sang Việt Nam quảng cáo cho sản phẩm rất dễ dàng, trong khi cực hiếm người mẫu trong nước ký hợp đồng quảng cáo ở nước ngoài. Đây là lợi thế quan trọng của người mẫu ngoại bên cạnh sự chuyên nghiệp của họ.
Cạnh tranh bằng sự chuyên nghiệp Người mẫu nước ngoài đến Việt Nam chủ yếu từ các nước Đông Âu như CH Czech, Nga, Romania, ngoài ra còn có các nước châu Phi, Brazil, Philippines... “Điểm nổi bật của các “ngoại binh” này là tác phong làm việc chuyên nghiệp, đúng giờ, thái độ lao động nhiệt tình, nghiêm túc và tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu của người thuê mình. Họ được bảo đảm điều kiện ăn ở tại những căn hộ có giá thuê từ 1.000 đến 1.200 USD/tháng, được chi trả các khoản tiền điện, nước và một mức chi phí nhất định” - người mẫu Tommy Trần tiết lộ. Những người mẫu chỉ có thu nhập khi trình diễn trên sàn catwalk, chụp hình quảng cáo hoặc làm PG… Nếu diễn trên sàn catwalk, các người mẫu sẽ có cát-sê khoảng 350 USD/sô, còn nếu làm PG thì thu nhập khoảng 300 USD/3-4 giờ, với các sô quảng cáo thì thu nhập tùy theo nhãn hàng, thời gian sử dụng sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, họ chỉ được hưởng khoảng 70% số tiền này, số còn lại sẽ chia cho công ty mẹ và công ty đại diện ở Việt Nam. |
Bình luận (0)