xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dự án “rùa” tràn ngập

MINH KHANH - SỸ ĐÔNG

Cả ngàn dự án trên địa bàn TPHCM được giao đất gần 10 năm nay nhưng chủ đầu tư chỉ thực hiện cầm chừng hoặc bỏ hoang hóa

Dự án khu nhà ở tái định cư tại phường 13, quận Bình Thạnh - TPHCM  do Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Đại Phúc (Công ty Đại Phúc) làm chủ đầu tư được UBND TP giao đất từ năm 2003. Quy mô dự án hơn 4 ha, khoảng 209 căn biệt thự, nhà trẻ - mẫu giáo, trường cấp I - II, trung tâm thương mại, trung tâm y tế và công viên cây xanh TDTT…

“Ôm” đất rồi bỏ hoang

Đến nay, tọa lạc trên khu đất này vẫn là những căn nhà dân lụp xụp và tràn cỏ dại. Ông Nguyễn Đẹp (467/48 Nơ Trang Long) cho biết chủ đầu tư kết hợp Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh tiến hành kiểm kê nhà đất của ông từ năm 2002 nhưng cuối năm 2012 mới ra quyết định bồi thường.
 
img
Dự án khu dân cư xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh - TPHCM bị “ngâm” gần 10 năm nay. Ảnh: SỸ ĐÔNG

Tương tự, hộ ông Nguyễn Hữu Dũng (1/1A Nơ Trang Long) có đến 5.700 m2 được đền bù đổ đồng 5 triệu đồng/m2. Bên cạnh chuyện trượt giá, trong 10 năm, gia đình ông Dũng phải sống tạm bợ, co cụm trên chính khu đất mênh mông của mình. “Năm người con đã có vợ có chồng vẫn sống chung với tôi vì đất nằm trong dự án, chia cho tụi nó không được mà cất nhà ở cũng bị cấm. Hai năm trước, tôi liều cất tạm một căn nhà tôn 30 m2 cho đứa con lớn thì bị quận cắt điện nước, phạt hành chính và ra quyết định tháo dỡ” - ông Dũng kể.

Đáng nói, năm 2003, Công ty Đại Phúc còn được giao 13,6 ha đất để thực hiện dự án khu nhà ở, hợp tác với Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh nhà Nhật Thành. Dự án này nằm đối diện dự án khu tái định cư 4,02 ha và hiện cũng đang là một khu đất trống. Bà Trần Thị Nghiêm (446/71 Nơ Trang Long) cho biết năm 2003, bà nhận được quyết định thu hồi 4.700 m2 đất của gia đình từ UBND quận Bình Thạnh. Đến năm 2004, quận tiến hành cưỡng chế trong khi gia đình bà đang khiếu nại phương án bồi thường.

“Miếng đất gia đình tôi đang trồng trọt, nuôi heo, gà… kiếm thu nhập nhưng quận thu hồi xong lại để cỏ mọc hoang như cánh rừng. Gia đình tôi xót, về lại dọn cỏ, nuôi trồng thì một lần nữa quận yêu cầu phải tháo dỡ, nếu không sẽ cưỡng chế. Đến nay, phần đất vẫn bỏ hoang, gia đình tôi thì chưa nhận bồi thường” - bà Nghiêm nói.

Trên địa bàn quận 2 cũng có nhiều dự án đã được giao đất từ 10 năm trước nhưng hiện trạng chỉ có… cỏ vì chưa hoàn thành khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Riêng dự án khu dân cư 2, 3, 4 phường Thạnh Mỹ Lợi do Công ty MTV Dịch vụ công ích quận 2 làm chủ đầu tư, đã được giao đất từ năm 2004 nhưng đến nay mới giải phóng mặt bằng được 52%. Hiện chủ đầu tư đang xin chủ trương liên doanh với doanh nghiệp có đủ năng lực để tiếp tục thực hiện dự án.

 “Treo” đầy ở ngoại thành

Huyện Bình Chánh hiện vẫn còn nhiều dự án nằm trên bảng quy hoạch, người dân trong vùng không thể xây nhà trên đất của mình. Dự án khu dân cư Thăng Long (ấp 1A, xã Bình Hưng) được phê duyệt từ năm 2004 nhưng đến nay, chủ đầu tư mới san lấp một phần mặt bằng. Nhìn bên ngoài, hàng rào cao gần 3 m vây kín mít, chỉ chừa một cánh cửa nhỏ cho người dân ra vào. Bên trong, không có công trình nào xây dựng, một phần diện tích được một vựa ve chai tận dụng phơi lông vịt. Hầu hết nhà trong khu vực này đều nhỏ và cũ kỹ nhưng người dân không dám xây dựng.

Bà Lê Thị Phượng (ngụ ấp 1, xã Bình Hưng) cho biết sau khi hút cát đổ vào ao bùn thì đơn vị thi công rút đi. Sau đó, người dân nhận được thông báo nhà thuộc diện giải tỏa rồi đến nay không thấy động tĩnh gì. Bà Phượng bức xúc: “Người dân muốn sửa sang, cất lại nhà cho đàng hoàng nhưng khi làm giấy phép xây dựng thì chính quyền địa phương không đồng ý”.

Dự án nhà ở rộng 8,96 ha nằm trên địa bàn ấp 3, xã An Phú Tây (Bình Chánh) cũng bị “ngâm” gần 10 năm nay khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Dù hệ thống nước sạch chạy ngang nhà nhưng gia đình ông T.V.T vẫn phải dùng nước giếng. Căn nhà cũ kỹ làm bằng gỗ, mái lợp tôn của ông T. không được tôn tạo lại, nhà dột ở đâu thì sửa chỗ đó vì người dân không được xây dựng trên đất quy hoạch dự án.

Cùng cảnh ngộ, người dân xã Tân Túc (Bình Chánh) vẫn không biết khi nào công trình nhà ở An Điền với tổng diện tích quy hoạch 26,8 ha mới khởi động. Cách đây 3 năm, người dân nhận được thông tin “đất nằm trong quy hoạch” nhưng đến nay, dự án này chỉ là một bãi đất trống.

Theo UBND xã Bình Hưng, chỉ trên địa bàn ấp 1A của xã đã có 4 dự án được phê duyệt từ năm 2003 đến 2010 nhưng chưa có dự án nào bồi thường xong. Còn theo lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh, trên địa bàn huyện hiện có gần 10 dự án bị “treo” 5-10 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
 

Nhiều dự ánsẽ bị “trảm”

Theo thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường, TPHCM có 1.308 dự án chậm tiến độ, trong đó 435 dự án đã hoàn thành 100% công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai xây dựng. Khoảng 100 dự án có mức độ bồi thường dưới 50%. Cũng theo thống kê, có 709 dự án nhà ở thương mại, 267 dự án sản xuất - kinh doanh và 332 dự án phúc lợi xã hội.

Sở Tài nguyên - Môi trường đã đề xuất 4 phương án xử lý đối với dự án “rùa”: nếu tỉ lệ bồi thường dưới 50%, chấm dứt gia hạn đối với dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư, thu hồi đối với dự án đã có quyết định thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử đụng đất; nếu tỉ lệ 50% - 80%, dự án có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư  sẽ được gia hạn 1 lần 12 tháng; nếu tỉ lệ bồi thường  80% - 100%, đề xuất điều chỉnh quy mô dự án để đẩy nhanh tiến độ; nếu tỉ lệ bồi thường 100% nhưng chủ đầu tư vẫn chưa triển khai, tùy khó khăn về thủ tục hay tài chính, các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ hoặc cho tạm ngưng, sử dụng mặt bằng vào mục đích khác…
 
T.Sương
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo