xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đường đi khác của văn học

TIỂU QUYÊN

Những cuốn sách gần gũi cuộc sống, kết nối các sự kiện xã hội và chia sẻ được với tâm tư của người đọc đang ngày càng thu hút độc giả

Mới đây, nữ nhà văn Di Li vừa cho ra mắt cuốn Adam và Eva (NXB Văn học ấn hành) - cuốn sách theo thể loại non-fiction (sách tự truyện, có tính tự sự hay được viết theo dạng nhật ký - PV) thứ 2 của chị, sau Nhật ký mùa hạ được giới thiệu vào khoảng giữa năm 2012. Adam và Eva đã nhận được nhiều lời khen ngợi và đồng cảm của những người trong giới. MC Thảo Vân nhận xét: “Di Li đã nói những chuyện ai cũng thấy, cũng biết, cũng hiểu nhưng không nói ra như cô được; những câu chuyện hài hước, tinh tế và sâu sắc khiến người đọc cứ tưởng nói về chính họ” . Chính vì những trang viết có thể  “thay lời muốn nói”, chạm được vào cảm xúc của người đọc mà Adam và Eva có sức thu hút rất riêng.

Gần gũi, đồng cảm

Nhà văn Di Li nói: “Phải thừa nhận là thể loại non-fiction, dễ viết, dễ đọc. Khi viết một cuốn tiểu thuyết, tôi phải đầu tư, nghiên cứu và phải mất một thời gian rất dài để hoàn thành, trong khi tôi chỉ cần khoảng 2 giờ  cho một bài viết tản mạn. Vậy mà có khi thể loại này lại thu hút được độc giả hơn vì họ thấy được bóng dáng của mình đâu đó trong những trang viết”.
 

img



img



img



img
Các tác phẩm dạng tự sự, nhật ký đã xuất bản có được sức hút rất riêng


Thật vậy, thời buổi công chúng mạng cũng góp một phần quyết định vào văn hóa đọc, thể loại sách non-fiction trở thành một lựa chọn đủ sức lan tỏa trên cộng đồng mạng. Cuốn Đàn bà 30 của nhà văn Trang Hạ - tập hợp những bài tản mạn đã đăng rải rác trước đó - từng là một tựa sách được độc giả mạng rỉ tai nhau. Những chuyển đổi tâm lý, suy nghĩ, ranh giới khác biệt giữa tuổi 20 và 30 được Trang Hạ viết bằng giọng văn dí dỏm mà sâu sắc, nói những điều ngỡ là giản đơn nhưng lại là những phát hiện chân thực, đủ sức thẩm thấu, giúp mỗi người tự nhận diện bản thân.

Các bài viết ở thể loại sách tự sự, phi hư cấu một phần mang văn phong báo chí trong cách diễn đạt mềm mại, giàu cảm xúc của người viết văn, nói theo Di Li: “Không quá hàn lâm nặng nề, ai cũng có thể tiếp cận, cảm thụ và chia sẻ được”. Chính vì vậy, ở thời buổi văn học trong nước hiếm có tác phẩm hay, văn học dịch lâm vào tình trạng vàng thau lẫn lộn, các tác phẩm viết theo thể loại tản văn, tự sự, nhật ký lại “lên ngôi” theo cách riêng và ra đời ngày càng nhiều.

Một dạo, thị trường sách nổi lên các tập tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Lập, Trần Nhã Thụy, sau này Nguyễn Nhật Ánh cũng có Sương khói quê nhà, Người Quảng đi ăn mì Quảng… Gần đây, cuốn sách Sóng đưa nước của Chị Đẹp (tên thật Lê Phương Thảo, Phương Nam Book và NXB Hội Nhà văn ấn hành) cũng mang một “luồng gió lạ” cho thị trường sách văn học. Cuốn sách không ghi thể loại nhưng theo nhận xét của nhà văn Nguyễn Đông Thức, Sóng đưa nước là  “một loại truyện viết ngẫu hứng, tưởng tượng lan man không chủ đích, nửa thật nửa ảo lại bóc tách rất hay tâm lý phụ nữ và cả đàn ông, đầy cảm xúc nhưng dễ có cảm giác là tự truyện”.  Sóng đưa nước khai phá một cách đầy đủ hình ảnh của một bộ phận giới trẻ sống theo “mốt thời thượng”: Ăn diện, chơi blog, Facebook với đầy đủ những hệ lụy từ cuộc sống công nghiệp. Góc nhìn gần với nhịp sống hiện đại khiến sách thu hút độc giả ở những phát hiện, phân tích thú vị.

Chọn cách viết về những điều gần gũi, các tác giả cũng đã tìm cho văn học một “đường đi khác” để chạm được vào sự đồng cảm của số đông.

Sẽ là xu thế?

Hai năm trở lại đây, làng văn thật sự trầm lắng. Rải rác vẫn có một số tác phẩm (truyện ngắn, tiểu thuyết) của các nhà văn, cây bút trẻ ra mắt nhưng khó tìm được tác phẩm có đủ sức lay động sâu. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói đùa: “Bây giờ ai mà mua sách làm gì!”. Còn nhà văn Nguyễn Đình Tú phân tích: “Thời gian qua, những cuộc ra mắt, tọa đàm sách bị các đơn vị lạm dụng, chủ yếu là cố tình quảng bá sách mới nhưng rập khuôn, thiếu sức hút”. Nói như vậy để thấy rằng có  “một góc sự thật” là thiếu tác phẩm hay.

Ở mảng văn học trẻ, thời gian qua nổi lên như một hiện tượng là cuốn Xách ba lô lên và đi của tác giả Huyền Chip. Trước đó, Hồi ký Tâm Phan, Từ tuyết đến mặt trời của Nguyễn Phan Quế Mai, Nước Ý - Câu chuyện tình của tôi cũng được nhắc nhớ. Mới đây, đáng chú ý là cuốn Một mình ở Châu Âu của Phan Việt. Tất cả đều là sách viết theo dạng du ký, nhật ký hành trình. Đan lồng trong những trải nghiệm, khám phá còn là những chia sẻ, cảm xúc chiêm nghiệm của người viết. Độc giả không chỉ được theo chân người viết đi qua những miền đất lạ, khám phá nét đẹp văn hóa về đất và người mà còn được lắng lòng theo những suy tư, cung bậc cảm xúc trải dài trong suy nghĩ, góc nhìn đa chiều tùy theo tư duy, sáng tạo và văn phong của người viết. Cùng với sức hút từ  “giá trị thật” trong mỗi tác phẩm, sự chia sẻ, kết nối rộng rãi qua mạng xã hội cũng là một kênh giúp cho những quyển sách dạng này thêm sức lan tỏa.

“Một thực tế không phủ nhận là bây giờ người ta lười đọc sách văn học. Hoặc cũng có thể nhà văn không tạo được sức lan tỏa cho tác phẩm. Tuy nhiên, trên website cá nhân, tôi thấy số độc giả truy cập các bài viết liên quan đến cảm nhận, góc nhìn cuộc sống rất đông; trong khi viết tản mạn văn chương, truyện ngắn có khi không thu hút” - nhà văn Di Li nhận định. Bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Công ty Chibooks - cũng cho rằng thể loại sách theo kiểu tự sự dễ viết, dễ đọc, phù hợp với nhịp sống hiện nay và rất có thể sẽ trở thành một xu thế của văn hóa đọc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo