* Phóng viên: Có lẽ nhiều người rất muốn biết vì sao hơn 10 năm từ sau phim Ngọn nến hoàng cung, anh mới trở lại với vai trò đạo diễn bộ phim Cỏ biếc (kịch bản: Trần Thị Bảo Châu, dài 35 tập, Hãng phim TFS sản xuất, đang phát sóng lúc 17 giờ 30 phút trên kênh HTV9)?
- Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng: Có một nghịch lý thế này: Khi còn trẻ, người ta thường có những ý nghĩ rất già, để rồi khi về già thì lại lãng đãng như… trẻ thơ! Điều này ít nhất là đúng với tôi. Ngọn nến hoàng cung ra đời hơn 10 năm trước, không mấy ai tin tôi là đạo diễn vì hồi ấy tôi còn quá trẻ so với “bề dày, sức nặng” của một bộ phim lịch sử làm về vị vua cuối cùng của Việt Nam. Giờ đây, khi đã đủ “già” thì tôi lại muốn làm một phim thật trẻ. Đó có thể nói là một trong những lý do để Cỏ biếc ra đời.
* Anh có nói làm phim để “thỏa mãn cái tôi sáng tạo” nhưng trong ngần ấy thời gian, chẳng lẽ không có thêm kịch bản nào đủ hấp dẫn anh? Hẳn Cỏ biếc đối với anh phải vô cùng đặc biệt?
- Làm phim đối với tôi là một cái gì đó rất thiêng. Phim ảnh như một ngôi đền mà khi bước vào đó, bàn chân mình phải sạch. Tôi trân quý nghề nghiệp của mình và tôn trọng khán giả. Cái gì tôi cảm được thì mới làm được. Cỏ biếc là một câu chuyện cận nhân tình. Phải nói đây là một kịch bản hay, lạ và khó làm. Phim mang phong cách của thể loại phim kiểu cao bồi Viễn Tây, giàu tiết tấu và đậm chất lãng du, phiêu bạt. Tôi muốn làm mới mình qua bộ phim này. Với Cỏ biếc, tôi chỉ bận tâm một điều: Không biết cái chất “già” cố hữu của mình 10 năm trước có làm gì tổn hại tới chất trẻ mà tôi muốn biểu đạt ở đây hay không?
* Tốt nghiệp cao học đạo diễn ở Ấn Độ nhưng hơn 1 thập kỷ, anh chỉ làm 3 phim - con số ít ỏi đối với “gia tài nghệ thuật” của một người trong ngần ấy năm. Với anh, đó có là điều tiếc nuối?
- Ba phim, 30 phim hay 300 phim thì cũng thế thôi. Giữa 3 con số này, cái duy nhất mà người ta có thể đong đếm được là tiền thù lao mà đạo diễn nhận được. Còn lại, người ta sẽ hỏi liệu có ai nhớ được một phim mình làm không?
* Nhưng nghệ thuật là sáng tạo không ngừng, lùi về “hậu trường”, làm công tác biên tập kịch bản cho các đồng nghiệp, có không trong anh cảm giác bó buộc sáng tạo của “cái tôi” của một đạo diễn?
- Ít ai biết được trước khi làm đạo diễn, tôi từng tốt nghiệp đại học khoa lý luận phê bình điện ảnh. Nói như vậy để biết công việc biên tập phim không phải là nghề tay trái hay tay ngang của tôi. Công việc này không cho phép người biên tập áp đặt bất cứ “cái tôi” nào vào đó, biên tập là phân thân, chủ động “nhập” vào thế giới sáng tạo của người khác để từ đó khơi gợi, dẫn dắt, kích thích năng lực của biên kịch, đạo diễn. Và một phần quan trọng không thể thiếu được, cũng là cái làm nên phẩm chất người biên tập phim: Phải biết cho đi!
* Sau Ngọn nến hoàng cung, anh từng nói về dự án ấp ủ - cũng là phim lịch sử chuyển thể từ tác phẩm Sông Côn mùa lũ…?
- Trước khi qua đời, nhà văn Nguyễn Mộng Giác có gửi thư cho tôi. Ông nói mình thực sự tiếc nuối nếu trước khi nhắm mắt mà chưa được xem phim Sông Côn mùa lũ. Tôi vẫn luôn tự nhủ làm phim Sông Côn mùa lũ là một món nợ phải trả nhưng không thể “cố đấm ăn xôi” được. Tôi không thể làm cho có vì điều này sẽ mang trọng tội, nếu không khéo, tôi sẽ hủy hoại tác phẩm văn học, “giết” luôn người anh hùng áo vải Quang Trung… Thực hiện bộ phim này phải cần thêm rất nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là kinh phí. Nếu không phải là tôi thì sẽ có những đạo diễn tài giỏi khác làm thay, tôi tin như thế.
* Nhiều năm qua, màn ảnh nhỏ cũng có không ít phim lịch sử nhưng hầu hết bị chê cả về nội dung lẫn cách thể hiện. Có lẽ nào trong bối cảnh hiện tại, chúng ta chẳng thể nào có được một bộ phim lịch sử đúng nghĩa xứng tầm?
- Làm phim lịch sử phải xuất phát từ nhu cầu có thật của đơn vị sản xuất (Nhà nước hoặc tư nhân), sản xuất hướng đến lợi ích người xem, đến trách nhiệm với lịch sử chứ không phải rầm rộ chạy theo phong trào. Tất cả đều đòi hỏi thật tâm huyết, nỗ lực bền bỉ. Đừng làm phim để minh họa! Lịch sử không chỉ là những sự kiện, cái người xem cần biết là những số phận, những mảnh đời trong vòng xoáy lịch sử, tâm thế sống để vượt thoát và trên hết là những bài học lịch sử được rút ra. Ê kíp thực hiện không chỉ phải là những người giỏi nghề mà còn cần có tầm khái quát, sự hiểu biết liên ngành, kiến thức văn hóa sâu rộng…
* Phim truyền hình một thời hào quang, vinh danh những tên tuổi diễn viên ngôi sao. Nhưng bây giờ, người ta nói phim truyền hình “tuột dốc”, diễn viên cũng ngày càng “mất giá”. Anh nghĩ sao về điều này?
- Có lẽ người ta thường có cái nhìn khắt khe về thời mình đang sống. Lúc còn bé, tôi hay nghe lóm chuyện ông nội tôi nói với ba tôi rằng thời xưa người ta tốt thế này, đẹp thế kia… Tới thời ba tôi, tôi thường nghe rao giảng kỹ hơn về những chuyện này. Tới thời tôi, tôi không muốn lặp lại những chuyện đó với con. Mỗi thời mỗi khác, không thời nào giống thời nào cả, đều có những vấn đề mới phát sinh mà chỉ có những người đương thời mới giải quyết được thôi. Mọi so sánh đều khập khiễng. Nói theo ngôn từ bóng đá: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”.
* Bây giờ làm phim, người ta hay nói đến “cái tâm của người làm nghề” nhưng đội ngũ làm phim tâm huyết cống hiến một thời cũng đang dần phải “chuyển giao thế hệ” cho đội ngũ trẻ. Anh cho rằng sự thay mới này sẽ khiến cục diện phim truyền hình đi theo chiều hướng nào?
- “Cái tâm” là một phạm trù thuộc về đạo đức cần cho bất cứ nghề nghiệp nào. Để làm phim, trước hết phải giỏi nghề cái đã. Còn tài năng là chuyện khác nữa. Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, mọi thông tin đều được cập nhật hằng ngày, hằng giờ, muốn giỏi nghề không phải là điều gì khó lắm. Vấn đề là chúng ta có muốn học hay không. Tôi thường xem phim của rất nhiều bạn trẻ. Về kỹ thuật, họ khá vững vàng, diễn đạt thoải mái và làm chủ ngôn ngữ hình ảnh. Có điều, vẫn thiếu vốn sống. Nền tảng văn hóa, sự trải nghiệm, thế giới tâm hồn, thẩm mỹ… là những thứ mà không ai và không trường lớp nào có thể dạy được cả, tự thân mỗi người phải tự rèn luyện. Nói vậy, nhưng tôi vẫn tin vào đội ngũ làm phim trẻ hiện nay.
* Anh làm phim Ngọn nến hoàng cung khi tuổi đời còn rất trẻ. Cho đến nay, nhiều người vẫn không hiểu được làm sao anh có thể tạo ra được một bộ phim lịch sử thành công như thế? - Tôi thích sưu tập tranh ảnh xưa, bưu thiếp do người Pháp chụp vào thời thuộc địa. Tôi có thể ngồi ngắm hàng giờ không biết chán hình ảnh lễ tế Nam Giao của triều Nguyễn hay ông quan đeo thẻ bài ngồi võng có lính hầu khiêng; hình ảnh một buổi chợ phiên với những người gồng gánh, bán buôn hay một người phu gập lưng kéo xe trên đường phố; một quán nước đầu làng hay một người hớt tóc bên cổng thành… Những hình ảnh ấy không “kể” cho tôi nghe về áo mão cân đai, đền đài thành quách… mà cho tôi thấy được từ đó những bể dâu sóng gió, những thân phận của người trong ảnh. Đó mới chính là lịch sử biến cố, là ký ức tâm hồn, là thần thái và diện mạo của một đời sống đã qua. Một người làm phim lịch sử mẫn cảm, giàu trí tuệ phải thẩm thấu cho được và nắm thật chắc những thứ này. |
Bình luận (0)