Sân khấu hài tại TPHCM vài năm trở lại đây không còn “ăn nên làm ra” như trước. Các nhóm hài chạy dạt về các vùng ven để có đất diễn…, nhiều nghệ sĩ tên tuổi chuyển hẳn sang đóng phim, ca hát… và nhiều ngành nghề khác để sinh sống…
Cát Phượng chuyển sang đóng phim vì thù lao diễn hài quá thấp.
Trong ảnh: Cát Phượng trong phim Chung một mái nhà. Ảnh: NVCC
Qua rồi thời vàng son
Thập niên 1990 là thời điểm cực thịnh của tấu hài. Từ các sân khấu, tụ điểm ca nhạc đến các phòng trà, quán bar, công viên… đều có diễn hài. Có thời điểm ít nhất 40 nhóm hài tồn tại với cả trăm diễn viên. Những địa điểm quen thuộc chuyên diễn tấu hài hoạt động thường xuyên hằng đêm như sân khấu 135 Hai Bà Trưng, Trống Đồng, 126, rạp Công Nhân, Nam Quang, Thủ Đô… cho đến những phòng trà, quán bar khắp TP.
Diễn viên hài Đại Nghĩa cho biết: “Tấu hài đã có một thời vàng son, các nhóm hài mọc lên như nấm. Diễn viên sống khỏe với nghề. Sân khấu hài lúc nào cũng đông nghẹt khán giả”. “Tấu hài một thời là “nồi cơm” của nhiều anh chị em nghệ sĩ. Một đêm có thể chạy 7 - 8 sô là chuyện bình thường. Có lúc diễn viên hài không có thời gian chạy sô vì lịch diễn hầu như kín gần cả tháng” - nghệ sĩ hài Minh Béo nhìn nhận.
Thế nhưng vài năm nay, tấu hài đi vào giai đoạn thoái trào, các sân khấu hài dần vắng bóng, những nơi còn hoạt động chỉ đếm được trên đầu ngón tay nhưng không còn diễn ra với mật độ dày đặc như trước. Trong đó, không ít sân khấu chỉ hoạt động mang tính chất cầm chừng, không ổn định. Đất sống ít đồng nghĩa với việc các nhóm hài tranh giành sô lẫn nhau khốc liệt và thu nhập của nghề này cũng giảm đáng kể.
Để có thể bám trụ với nghề, các nhóm hài nhỏ lẻ phải tản về vùng ven, ngoại thành như Thủ Đức, Bình Chánh… thậm chí về các tỉnh Bình Dương, Long An để tìm đất sống. Một vài nhóm hài nhỏ khác chấp nhận đi diễn ở các hội chợ, thậm chí đám cưới, đám hỏi… để kiếm tiền. Truyền hình cũng là đất sống mới của diễn viên hài nhưng vì quá nhiều người chen chân nên đất sống nơi đây cũng hẹp dần.
Theo diễn viên hài Đại Nghĩa, các nhóm hài Thanh Tùng, Bảo Cương… hiện nay phải về các sân khấu ngoại thành hoặc đi sô tỉnh mới có đất diễn. Duy Mỹ, Hoàng Vũ, Chung Chung, Thanh Bắc, Vũ Quang… là những nhóm hài chọn vùng ven để “dụng võ”.
Một trong số họ lắc đầu: “Biết làm sao được khi sân khấu hài ở nội thành không còn nhiều, những nhóm hài ít tên tuổi không còn cơ hội biểu diễn ở đó. Thù lao dù ít một chút nhưng phải ráng bám trụ với nghề”. Không ít diễn viên hài cho biết ngay cả ở những tiệc cưới hỏi, tân gia… họ cũng sẵn sàng biểu diễn.
Gánh nặng mưu sinh
Nhiều nghệ sĩ hài có tên tuổi chuyển sang đóng phim, làm MC, đi hát... Hầu hết các nghệ sĩ hài đều thừa nhận một thực tế là thù lao hiện nay của diễn viên hài quá thấp, không đủ để họ sinh sống - đó cũng là lý do họ chuyển sang các lĩnh vực khác. Diễn viên hài Cát Phượng xót xa: “Thù lao của anh chị em diễn hài quá chênh lệch so với các nghệ sĩ lĩnh vực khác, đặc biệt là ca sĩ. Tôi chuyển qua đóng phim cũng chỉ vì không sống nổi với số tiền đi diễn hài”.
Diễn viên hài Đại Nghĩa cũng thừa nhận: “So với các lĩnh vực khác thì thù lao của nghệ sĩ hài thấp hơn. Để có một tiểu phẩm hài trên sân khấu, các diễn viên phải tốn rất nhiều công sức nhưng số tiền nhận lại không xứng đáng”.
Nghệ sĩ hài Minh Béo cho biết: “Nếu chỉ sống dựa vào thù lao diễn hài thì chắc chắn tôi không sống đủ. Tôi cũng phải làm thêm nhiều công việc khác như MC, đóng phim, viết kịch bản, đạo diễn”.
Không ít diễn viên đã chấp nhận rời bỏ sân khấu hài vì gánh nặng “cơm áo, gạo tiền”. Hơn nữa, theo diễn viên hài Cát Phượng, thù lao ảnh hưởng không ít đến sự đam mê và sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ.
Tuy nhiên, với những nghệ sĩ hài có tâm huyết, sân khấu hài vẫn là máu thịt, là niềm đam mê của họ, không thể dứt bỏ. “Tôi đi đóng phim chỉ là giải pháp tình thế khi sân khấu hài không đủ sức nuôi sống mình. Còn sân khấu vẫn là máu thịt của tôi, làm sao bỏ được” - diễn viên hài Cát Phượng nói.
Bình luận (0)