Vào những năm 1920, sân khấu hát bội, cải lương từng có một ban nhạc toàn là các thôn nữ. Họ không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp đứng ra thành lập ban nhạc mà đó là những dân quê, dưới sự điều hành của bà bầu Trần Ngọc Viện, tức cô ruột của GS-TS Trần Văn Khê. Ông cho biết: “Tôi thực hiện đêm chuyên đề sân khấu này để vinh danh người cô đã kiến tạo cho sân khấu một xu hướng biểu diễn độc đáo.
Gánh hát Đồng nữ ban năm 1927 của bà Trần Ngọc Viện (Ảnh do GS-TS Trần Văn Khê cung cấp)
Gánh hát của cô tôi toàn là phụ nữ vốn chân yếu tay mềm nhưng khi diễn các vở cần biểu diễn võ thuật, họ cũng phải học võ. Họ được thầy Hai, một võ sư dòng võ Bình Định, dạy các đường quyền, đường roi, thế tấn và diễn với binh khí thật, chứ không phải các đạo cụ như ngày nay. Chính vì thế, gánh hát này đã tạo được ấn tượng mạnh với công chúng thời ấy qua nhiều vở: Giọt lệ chung tình, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà... nổi danh vào năm 1927...”.
Trong chương trình chuyên đề sân khấu này, GS-TS Trần Văn Khê sẽ kể lại quá trình hình thành, những giai thoại và tư liệu của gánh hát Đồng nữ ban. Từ sự khởi xướng này, NSND Phùng Há đã thành lập gánh Toàn nữ ban vào thập niên 1950-1960 và nổi danh với vai Lữ Bố, NSND Bảy Nam nổi danh với vai Tư Đồ (vở Phụng Nghi Đình).
Bình luận (0)