Trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành thể thao đặt ra cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) 2 thách thức lớn: Giành thêm một chức vô địch Đông Nam Á đồng thời bước vào hàng ngũ 5 đội bóng mạnh nhất châu lục. Mục tiêu đầu có vẻ không quá khó bởi tuyển Việt Nam cũng đã từng lên ngôi khu vực vào năm 2008 nhưng nhiệm vụ trở thành một đội tuyển hùng mạnh ở châu Á xem ra quá khó với VFF, bởi chính VFF cũng chưa bao giờ nghĩ xa hơn được chức vô địch mang tầm khu vực.
Với chỉ tiêu vô địch SEA Games 2013, đội U23 Việt Nam sẽ được VFF đầu tư tối đa trong năm nay. Ảnh: HẢI ANH
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định: “Trong năm 2013, nhiệm vụ cao nhất của bóng đá Việt Nam ở cấp độ đội tuyển là phải giành thành tích cao ở SEA Games 27”. Điều này không có gì mới bởi trong năm diễn ra SEA Games hay AFF Cup, VFF luôn đặt mục tiêu như vậy dù rằng ở kỳ SEA Games và AFF Cup gần nhất, bóng đá Việt Nam thất bại thảm hại và bị chỉ trích về nhiều mặt.
Chính vì giấc mơ vô địch SEA Games là điều bóng đá Việt Nam chưa bao giờ đạt được nên VFF càng khát khao một lần chạm tay vào HCV ở đại hội thể thao khu vực để làm đẹp lòng người hâm mộ nước nhà.
Trong khi VFF chỉ nghĩ được đến SEA Games thì Tổng cục TDTT đã hoạch định cho đội tuyển quốc gia (ĐTQG) một vị thế lớn trong 10 năm tới ở khu vực châu Á. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Phó Chủ tịch VFF Phạm Văn Tuấn nói: “Mục tiêu đến năm 2030, ĐTQG của chúng ta trở thành 5 đội mạnh nhất châu Á không phải là mục tiêu viển vông. Hơn nữa, trong bất kỳ chiến lược phát triển thể thao nào, chúng ta cũng phải đặt ra mục tiêu để phấn đấu”.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, ngành thể thao cũng tự nhận những nhiệm vụ rất nặng nề trước Chính phủ và nhân dân, đó là đứng trong nhóm 10 nước có nền thể thao hàng đầu châu Á ở Á vận hội 2019 tổ chức tại Việt Nam nên không có lý gì bóng đá Việt Nam không tự ý thức nhiệm vụ nâng cao vị thế ngay từ bây giờ.
Bình luận (0)