Bạn đọc cho rằng khó chấp nhận được lời giải thích của Siêu thị Big C - Hà Nội về việc dán nhầm cờ Trung Quốc lên sản phẩm nho Việt Nam. Điều lo ngại là những sự việc tương tự như thế này gần đây xảy ra thường xuyên. Người dân nghe hoài rồi sẽ quen tai. Nếu không có cách xử lý triệt để thì những vụ việc bất thường như thế này lâu dần lại trở thành bình thường. Lúc đó khó biết hậu quả sẽ như thế nào.
“Nhầm lẫn” là cách giải thích nhẹ nhàng nhất và ít trách nhiệm nhất của đại diện Big C về vụ việc. Theo logic của doanh nghiệp này, nhân viên đóng gói là người chịu trách nhiệm và sau đó sự việc sẽ bị quên lãng. Nhưng thực tế có thể như vậy không, khi mà sản phẩm này đã đến tay rất nhiều người tiêu dùng, họ nghĩ gì về sản phẩm Việt Nam bị áp đặt bằng cờ Trung Quốc?
Bạn đọc Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề: “Không biết Big C The Garden có được bao nhiêu cờ các nước để làm tem dán lên bao bì tất cả sản phẩm bày bán trong siêu thị? Việc dán cờ này được thực hiện từ bao giờ? Ngoài gói nho Việt Nam dán cờ Trung Quốc nói trên, các loại hàng hóa khác hiện đang bày bán trong hệ thống siêu thị này có được dán cờ nước sản xuất? Kiểm tra để làm rõ các yêu cầu này rất dễ dàng để có thể biết lời giải thích của lãnh đạo siêu thị thuyết phục hay không”.
Dẫn chứng thêm cho vụ việc, bạn đọc Ca Đào cho biết: “Tôi thường mua trái cây tại siêu Big C Tân Phú, Big C Tô Hiến Thành mà có thấy dán cờ bao giờ đâu. Dán 1 cái tem tính tiền cũng mệt rồi, giờ thêm lá cờ mà dán ngay thẳng nữa thì phải có vấn đề thôi”. Cùng quan điểm, bạn đọc Cẩm Đại kể: “Tôi ở Đức đã 25 năm, một thị trường với 90% rau củ quả nhập khẩu của nước ngoài nhưng không bao giờ thấy người Đức làm cái việc dán cờ các nước lên sản phẩm cả. Nước nào xuất đi thì phải tự in thông tin vào bao bì, có như thế thì nước Đức mới cho nhập”.
Xử lý: chậm trễ khó hiểu
Bạn đọc Tám Si bày tỏ: “Sao lại kỷ luật nhân viên đóng gói với hình thức cao nhất? Nếu dứt khoát kỷ luật nặng nhân viên này thì phải kỷ luật hàng loạt lãnh đạo liên quan của siêu thị. Đơn giản vì vụ việc này không thể quy trách nhiệm cho một người được mà từ khâu kiểm tra, đóng gói, quản lý ngành hàng, cuối cùng là giám đốc... đều thiếu trách nhiệm. Nếu chỉ kỷ luật một người ở một khâu thì khó ngăn được những việc tương tự tiếp tục xảy ra”.
Lo ngại cho vấn đề này, bạn đọc Năm Nổ phân tích: Lâu lâu lại xuất hiện 1 sự cố và các sự cố này ngày càng xảy ra với tần suất nhiều hơn. Dần dà, người dân xem những sự cố này là không có gì đáng ngại. Lúc đó nếu người dân, nhất là những người nhỏ tuổi, xem việc sản phẩm tiêu dùng hoặc văn hóa của Trung Quốc tràn ngập đất nước là việc bình thường thì e rằng chúng ta không còn trở tay kịp.
Các cơ quan chức năng ở đâu? Nhiều bạn đọc bức xúc: Các cơ quan chức năng ở đâu sau khi xảy ra bao nhiêu là vụ việc nghiêm trọng. Vụ gian hàng du lịch Việt Nam tại hội chợ du lịch quốc tế trưng bày hình ảnh danh thắng Trung Quốc đến nay cũng không thấy phản hồi cách xử lý. Ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chỉ giải thích lòng vòng. Vụ sách giáo khoa in cờ Trung Quốc thì ngành giáo dục cũng im lặng...
Trước những sự im lặng đến khó hiểu như thế này, người dân sẽ nghĩ gì? Nếu các cơ quan chức năng không có quan điểm xử lý rõ ràng thì làm sao mong cầu người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ văn hóa nước nhà, ngăn chặn văn hóa ngoại lai tác động xấu đến thế hệ trẻ?
|
Bình luận (0)