Chiều 26-3, tại hội thảo dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư do Bộ Tư pháp tổ chức, đại diện Bộ Công an và Bộ Tư pháp tiếp tục bày tỏ những quan điểm không thống nhất trong việc xây dựng đề án về quản lý cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia (mã số công dân).
Trong khi đại diện Bộ Công an nói triển khai đề án theo chỉ đạo của Chính phủ thì Bộ Tư pháp bảo thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã thống nhất 12 chữ số trên CMND mới là số định danh cá nhân
Ảnh: HOÀNG ĐỒNG
Chưa đủ căn cứ pháp lý
TS Trần Thất, nguyên vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp, cho biết đề án xuất hiện trong quá trình Bộ Tư pháp trình dự án Luật Hộ tịch. Khi đưa ra Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến, nhiều đại biểu cho biết họ đang sở hữu tới 12 loại thẻ mà không có loại nào thể hiện đầy đủ thông tin cá nhân.
“Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải xây dựng quy định để làm sao từ 12-15 chiếc thẻ rút ngắn thành 1. Mỗi ngành một cơ sở dữ liệu sẽ trùng lắp, làm khổ dân nên phải hợp lại, có sai sót gì thì chỉnh sửa, đính chính là xong” - ông Thất nói.
Theo đại tá Vũ Xuân Dung (C72 - Bộ Công an), thực hiện theo đề án của Bộ Công an thì mất vài năm sẽ hoàn tất việc cấp mã số
Ảnh: THẾ KHA
Theo Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) - Bộ Công an, từ năm 2008, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Nghị định 90 quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trước khi ban hành, các bộ, ngành được lấy ý kiến đóng góp đều đồng ý rằng nên giao Bộ Công an quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phù hợp với quy định trong Luật Cư trú.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết dự thảo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư đã xác định số định danh cá nhân cấp cho mỗi công dân chính là số CMND mới, có 12 số mà Bộ Công an đã triển khai thí điểm cấp tại Hà Nội. Tuy nhiên, số định danh cá nhân mới chỉ được quy định cụ thể tại Thông tư 10/2013 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định 90/2010 quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên cần phải được quy định về số định danh cá nhân tại văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để khẳng định giá trị pháp lý và làm cơ sở cho các ngành khác sử dụng trong quản lý ngành, lĩnh vực.
Chồng lấn gây lãng phí lớn
Theo ông Nguyễn Công Khanh, Vụ trưởng Vụ Hành chính, Tư pháp - Bộ Tư pháp, đề án của Bộ Công an và Bộ Tư pháp đều gặp nhau ở việc cấp mã số công dân ngay từ điểm gốc của mỗi con người là giấy khai sinh. Vậy thì ngay từ bây giờ, khi xây dựng Luật Hộ tịch, cơ quan soạn thảo phải tính toán, đưa ra lộ trình về việc cắt giảm các loại giấy tờ, thủ tục như thế nào cho hợp lý.
Theo dự kiến, khi Luật Hộ tịch có hiệu lực, cán bộ hộ tịch xã/phường sẽ ghi tất cả thông tin của một công dân vào một cuốn sổ để theo dõi, đồng thời không cấp các loại giấy tờ như khai sinh, kết hôn, hộ khẩu... như hiện nay. Việc này đòi hỏi quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, chuẩn hóa hộ tịch viên xã/phường vừa giỏi chuyên môn vừa thông thạo vi tính để cập nhật thông tin lên hệ thống.
Ông Vũ Xuân Dung cho rằng tất cả những nội dung Bộ Tư pháp mong muốn đều đã và đang được Bộ Công an triển khai trong đề án của mình. Vấn đề quan trọng nhất là phải làm sao giúp Chính phủ “đánh số” gần 90 triệu dân. Nếu thực hiện theo đề án Bộ Tư pháp đưa ra, đến năm 2014-2015 mới bắt đầu cấp mã số công dân thì có khi phải tới năm 2030 mới hoàn thành.
Thực hiện theo đề án mà Bộ Công an sắp hoàn thành để xin ý kiến các bộ, ngành, chỉ mất vài năm là phủ sóng xong mã số công dân. Bộ Công an đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp không xây dựng đề án này nữa. “Tiền thực hiện đề án cũng là tiền của dân. Xây dựng thêm một đề án nữa, chồng lấn thì chỉ gây tốn kém. Tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước đều có thể dùng chung 22 thông tin trên cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Đối với các dữ liệu chuyên ngành thì sẽ có cơ chế để bổ sung trên cơ sở gốc là được” - ông Dung nói.
Tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm
Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy hiện có gần 1.300 thủ tục hành chính trong mẫu đơn, tờ khai yêu cầu khai thông tin cơ bản về công dân hoặc yêu cầu xuất trình/nộp giấy tờ có công chứng hoặc bản sao. Trong số này có gần 1.045 mẫu đơn, tờ khai yêu cầu cung cấp thông tin về công dân. Theo tính toán của Bộ Tư pháp, việc vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cắt giảm chi phí điền thông tin trong mẫu đơn, tờ khai cho công dân ước tính khoảng 198 tỉ đồng/năm; cắt giảm khoảng 1.445 tỉ đồng/năm liên quan đến chi phí cho việc xuất trình/nộp bản sao có chứng thực giấy tờ.
|
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-3
Bình luận (0)