Ngày 26-3, chúng tôi trở lại cảng cá Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi) và nghe nhiều câu chuyện kể về sự ngang ngược của tàu Trung Quốc khi đuổi bắn, dùng vòi rồng xịt nước tàu cá của ngư dân nước ta.
Ông Đặng Tằm chỉ vết đạn từ tàu Trung Quốc bắn sang làm thủng tàu QNg 90281 TS của ông Ảnh: TỬ TRỰC
Thu hết hải sản, ngư cụ
Ông Đặng Tằm (ngụ thôn Châu Thuận, xã Bình Châu - chủ tàu QNg 90281 TS) vừa khóc vừa kể vào ngày 22-2, khi tàu của ông cùng 11 ngư dân đang đánh bắt ở đảo Xà Cừ thuộc quần đảo Hoàng Sa thì phát hiện tàu Trung Quốc số 789 tiến lại gần.
Các ngư dân trên tàu QNg 90281 TS biết khó thoát nên quyết định vừa chạy vừa tìm cách đối phó nhưng khi nhổ neo chạy chưa được bao lâu thì bị tàu Trung Quốc áp sát và bắn đạn lửa liên tiếp. Một viên đạn lọt vào cabin, những viên khác ghim thẳng vào thân tàu nhưng rất may là không phát cháy. Tiếp đó, tàu Trung Quốc dùng vòi rồng dội thẳng vào tàu QNg 90281 TS và 6 tên lính nhảy qua tàu đe dọa rồi lấy hết ngư cụ, hải sản.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng trao 30 triệu đồng cho ngư dân Bùi Văn Phải, chủ tàu QNg 96382 TS, vừa bị Trung Quốc bắn cháy cabin
Ảnh: TỬ TRỰC
Ngày 26-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phùng Đình Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi, cho biết từ đầu năm đến nay có gần 20 trường hợp tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, cản trở không cho khai thác hải sản.
Ngày 22-3, ở khu vực biển Trường Sa, tàu của ông Phạm Phước (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) cũng bị tàu Trung Quốc vây bắt, thu giữ 42 bộ bóng đèn hành nghề lưới vây. Trước đây, ở khu vực biển Trường Sa, tàu Trung Quốc chỉ cản trở, xua đuổi, không tịch thu tài sản nhưng bây giờ thì thu hết cả hải sản và ngư cụ.
Cực đoan, thiếu thiện chí
Ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, nói nếu không xem việc ngư dân ra biển là để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thì những chính sách đối với ngư dân cũng sẽ không đáp ứng được. Việc tàu QNg 96382 TS hoạt động tại ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa bị truy đuổi và bắn cháy cabin mới đây đã thể hiện rõ mưu đồ bất minh là Trung Quốc muốn xâm lược vùng biển, đảo của Việt Nam.
Tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc cũng liên tục phá sóng nên các máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh (GPS) không thể liên lạc được với bờ. Phải coi đây là một thái độ cực đoan, thiếu thiện chí, không tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế và các cam kết giữa 2 nước.
Ông Mưu cũng cho biết đã dự định lập quỹ rủi ro của ngư dân trên biển nhưng theo quy định phải ký quỹ 5 tỉ đồng nên hội nghề cá chưa thể thực hiện được.
Đại tá Nguyễn Quang Trung, Chỉ huy trưởng vùng 2 Cảnh sát biển Việt Nam, nói việc tàu Trung Quốc bắn cháy tàu của ngư dân Việt Nam là không thể chấp nhận được. Khi tàu của Cảnh sát biển Việt Nam xuất hiện thì tàu Trung Quốc thường không có hành động gì. Hiện phương tiện và nhân lực của cảnh sát biển đều chưa đủ để bảo vệ ngư dân tốt nhất. Lực lượng kiểm ngư với 5 tàu chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ ngư dân ra mắt vào ngày 27-3 sẽ giúp ngư dân yên tâm hơn để bám biển.
Hỗ trợ tàu bị bắn cháy 30 triệu đồng
Sáng 26-3, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã trao 30 triệu đồng từ chương trình Tấm lưới nghĩa tình của Quỹ Tấm lòng vàng do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Báo Người Lao Động phát động cho ngư dân Bùi Văn Phải, chủ tàu QNg 96382 TS bị Trung Quốc bắn cháy cabin. Dự kiến, ngày 27-3, quỹ hỗ trợ ngư dân sẽ tổ chức thăm hỏi, động viên 21 thuyền viên trên 2 tàu của ông Phải và ông Dương Văn Giàu, hỗ trợ mỗi thuyền viên 2 triệu đồng, mỗi chủ tàu 10 triệu đồng. |
Bình luận (0)