Đại diện lực lượng nổi dậy Syria đã ngồi vào chiếc ghế của nước này tại Hội nghị cấp cao Liên đoàn Ả Rập (AL) tại Qatar hôm 26-3 trong một diễn biến cho thấy Tổng thống Bashar al-Assad đang ngày càng bị cô lập về ngoại giao.
AL ủng hộ vũ trang phe đối lập Syria
Phát biểu tại hội nghị, ông Alkhatib cho biết đã kêu gọi lực lượng Mỹ giúp bảo vệ các vùng đất đang được quân nổi dậy kiểm soát ở miền Bắc Syria bằng cách triển khai tên lửa đất đối không Patriot đang được đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông, Mỹ nên đóng vai trò lớn hơn trong việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 2 năm qua ở Syria chứ không chỉ dừng lại ở việc viện trợ phi quân sự cho lực lượng nổi dậy. Ông Alkhatib còn chỉ trích chế độ của ông Assad từ chối tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, NATO đã nhanh chóng bác bỏ ý tưởng triển khai tên lửa Patriot của ông Alkhatib. Một quan chức NATO nói với hãng tin Reuters: “NATO không có ý định can thiệp quân sự vào Syria”. Các quan chức Mỹ cũng khẳng định hiện chưa có kế hoạch thay đổi vai trò phòng vệ của tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù vậy, lực lượng đối lập Syria vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của AL, nhất là vấn đề vũ trang cho họ. Thông cáo chung của hội nghị đã chứa đựng những chỉ trích mạnh mẽ nhất từ trước đến giờ nhằm vào ông Assad, đồng thời khẳng định các thành viên của khối này có quyền hỗ trợ lực lượng nổi dậy Syria, bao gồm cả hỗ trợ quân sự.
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Hamad bin Jassim al-Thani đã lên tiếng biện hộ cho lập trường này của AL vì, theo ông, họ không nhìn thấy có giải pháp nào tốt hơn vào lúc này. Trong khi đó, bà Jane Kinninmont, chuyên gia của tổ chức Chatham House (Anh), nhận định lập trường này cũng phần nào cho thấy sự thất vọng của các nước Ả Rập bởi họ cho rằng Mỹ và các cường quốc châu Âu không làm nhiều hơn để giúp phe đối lập Syria.
LHQ điều tra vũ khí hóa học
Trong một diễn biến liên quan, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã bổ nhiệm nhà khoa học Thụy Điển Ake Sellstrom đứng đầu cuộc điều tra cáo buộc dùng vũ khí hóa học ở Syria. Người phát ngôn LHQ Martin Nesirky hôm 26-3 cho biết: “Ông ấy là một nhà khoa học giỏi, có nhiều kiến thức về vấn đề giải giới và an ninh quốc tế”. Ông Nesirky cho rằng cuộc điều tra của Sellstrom sẽ mang tính kỹ thuật - tức là xem xét liệu vũ khí hóa học có được dùng hay không, nếu có thì lực lượng nào đã dùng nó.
Ông Sellstrom từng là chánh thanh tra của UNSCOM - nhóm thanh sát LHQ có nhiệm vụ điều tra và giải giới chương trình vũ khí sinh hóa học của Iraq vào thập niên 1990. Hiện chưa rõ thành phần nhóm điều tra nói trên của LHQ. Nga hôm 25-3 cho rằng nhóm nên có các chuyên gia nước này và Trung Quốc dù Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin sau đó nói khả năng tham gia của chuyên gia Nga là không cao.
Cuộc điều tra được tiến hành sau khi Chính phủ Syria cáo buộc quân nổi dậy dùng vũ khí hóa học trong một cuộc tấn công gần thành phố Aleppo vào tuần rồi. Phe đối lập đã bác bỏ cáo buộc trên đồng thời cho rằng chính Damascus mới dùng loại vũ khí này. Hãng tin Reuters nhận định nếu cuộc điều tra xác định việc Chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học là có cơ sở, đây sẽ là một đòn mạnh nữa giáng vào mong muốn tiếp tục nắm quyền của ông Assad. Còn ngược lại, nó sẽ khiến không ít nước càng dè dặt hơn trong việc ủng hộ phe đối lập Syria.
Bình luận (0)