Từ 20 giờ ngày 28-3, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu được phép tăng giá xăng tối đa 1.430 đồng/lít, giá dầu diesel được điều chỉnh tối đa là 362 đồng/lít, dầu hỏa tăng 480 đồng/lít, dầu ma dút tăng 807 đồng/lít. Hai điểm tạo nên tính bất ngờ trong đợt tăng giá xăng dầu lần này là mức tăng sốc và vào thời điểm thị trường đang kỳ vọng giảm giá.
Tăng cao nhất trong lịch sử
Với mức điều chỉnh này, giá bán lẻ xăng RON 92 sẽ tăng từ 23.150 đồng lên tối đa 24.580 đồng/lít; giá dầu diesel từ 21.550 đồng lên 21.912 đồng/lít; giá dầu hỏa từ 21.600 đồng lên 22.080 đồng/lít và giá dầu ma dút từ 17.650 đồng/lít lên 18.457 đồng/lít. Như vậy, mức 24.580 đồng/lít xăng là cao nhất trong lịch sử, phá vỡ kỷ lục 23.800 đồng/lít thiết lập ngày 20-4-2012. Ngoài ra, liên bộ Tài chính - Công Thương cũng quyết định khôi phục lợi nhuận định mức cho DN 300 đồng/lít, đồng thời ngừng sử dụng quỹ bình ổn giá đối với các chủng loại xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, từ cuối năm 2012, đầu năm 2013, giá xăng dầu thế giới vận động theo xu hướng tăng đã làm giá cơ sở tăng cao. Nhà nước đã liên tục điều hành để giữ ổn định, không tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước mà sử dụng quỹ bình ổn giá (từ đầu năm 2013 đã có 4 lần điều chỉnh) và hiện nay, mức sử dụng quỹ bình ổn giá xăng đang ở mức cao với 2.000 đồng/lít. Trước đó, ngày 26-2, giá xăng dầu thế giới tăng cao nên giá bán lẻ trong nước thấp hơn giá cơ sở từ 1.000 - 2.300 đồng/lít. Để ổn định thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tăng giá mà sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp.
Diễn biến trên chính là nguyên nhân khiến Bộ Tài chính quyết định tăng giá “sốc” lần này. “Giá xăng dầu thế giới tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao trong khi quỹ bình ổn xăng dầu đã cạn. Giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp” - Bộ Tài chính lý giải.
Không hợp lý
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong bình luận động thái tăng giá bán lẻ xăng dầu lần này là hệ quả của quỹ bình ổn. Chính quỹ bình ổn đã làm rối giá xăng dầu. Vào thời điểm cuối tháng 2, lẽ ra có thể tăng giá bán lẻ xăng dầu do giá thế giới lên cao nhưng cơ quan quản lý không cho tăng giá mà tăng xả quỹ bình ổn để bù đắp. Đến lúc này, giá thế giới đã giảm tới hơn 10 USD/thùng thì chúng ta lại cho tăng giá vì cạn quỹ. Như vậy, giá xăng dầu trong nước luôn bị nén lại và có độ trễ, đến lúc tăng thì phải tăng “sốc”. “Cách điều hành này khiến người dân bức xúc và làm mất uy tín của cơ quan điều hành giá. Hơn nữa, quỹ bình ổn do DN quản lý không minh bạch, càng khiến người dân mất niềm tin hơn” - ông Phong nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh băn khoăn trước câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú trên Đài Truyền hình Việt Nam vào tối 28-3. Ông Tú nói rằng hiện quỹ bình ổn của các DN đã cạn nên không thể tiếp tục sử dụng nguồn quỹ này nữa. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nếu khẳng định quỹ đã cạn thì phải tính toán và công khai cho người dân. Hơn nữa, quỹ bình ổn giá đã trích ra cao hơn mức lỗ thực và các công ty siêu lãi trong suốt thời gian giá xăng dầu thế giới giảm. “Như vậy người dân phải đóng 300 đồng/lít cho quỹ bình ổn giá mà trích quỹ như thế là vi phạm quá rõ ràng” - ông Doanh nói.
“Vừa nghe tin tăng giá xăng dầu, tôi cảm giác như đang bị đánh úp” - một chuyên gia kinh tế khác chia sẻ vào tối 28-3. Nguyên nhân vì giá xăng dầu thế giới đang giảm mạnh, dư luận cũng kỳ vọng giảm giá, còn DN vừa qua thừa nhận là mức xả quỹ quá cao, có thể giảm xuống một nửa nhưng liên bộ Tài chính - Công Thương lại đột ngột tăng giá.
Lo CPI tăng Bất ngờ trước thông tin tăng giá xăng dầu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhận định giá xăng dầu tăng cao sẽ buộc ngành vận tải phải điều chỉnh lại giá cước vận tải. Đây là điều không muốn nhưng vẫn phải làm vì nếu không tăng cước thì sẽ lỗ và không thể tồn tại được. Giá cước vận tải tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí lưu thông hàng hóa, kéo theo nhiều mặt hàng phải tăng giá. “Theo thống kê tháng 3-2013, lạm phát âm so với tháng 2. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước mới giảm lãi suất từ 8% xuống 7,5%/năm (kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng), nếu giá xăng dầu tăng thì lạm phát tháng sau không phải là âm mà sẽ tăng cao” - ông Hùng phân tích. |
Bình luận (0)