xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSND Huỳnh Nga-Người tạo ra những đỉnh cao

Bài và ảnh: THANH HIỆP

NSND Huỳnh Nga là đạo diễn tài hoa của sân khấu cải lương. Ông dàn dựng gần 300 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm đỉnh cao, là khuôn mẫu của sân khấu cải lương hôm nay

Trầm ngâm, ít nói về bản thân mình, ông nhìn những ngày trôi đi trong tâm trạng của một người thích chiêm nghiệm vẻ đẹp thời gian. Với NSND Huỳnh Nga, được cắt từng lát nhỏ những sự kiện đã đi qua trong đời nghệ sĩ đã là thú vui, bởi mấy ai có được kho báu phong trần mà cũng đầy hào hứng, da diết như ông.

img
NSND - đạo diễn Huỳnh Nga

Đóng góp lớn cho cải lương

Gọi sự nghiệp của ông là một kho báu cũng đúng khi với gần 300 vở diễn dưới bàn tay dàn dựng và tư duy, ông đã biến mỗi trang bản thảo văn học thăng hoa trên sàn diễn, lôi cuốn người xem đi vào từng số phận nhân vật. Từng chặng đường phát triển của sân khấu cải lương đều có bóng dáng của ông và ông là đạo diễn duy nhất từ chiến khu quay về miền Nam sau ngày thống nhất đất nước, sớm được lớp nghệ sĩ tại chỗ công nhận.
Và cũng qua ông, những trải nghiệm từ sân khấu các nước đã được dung nạp, làm giàu thêm cho sân khấu kịch hát dân tộc, như nhận xét của tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM: “Nhắc đến Huỳnh Nga, không ai phủ nhận anh là người đã đóng góp nhiều công sức cho bao thế hệ nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương miền Nam.
Thủ pháp dàn dựng của anh dung nạp nhiều khuynh hướng và sau đó đưa ra phương án tốt nhất, đầy thuyết phục đối với nghệ sĩ tham gia biểu diễn và với công chúng. Xem các vở: Tanhia, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa, Tấm Cám, Đời cô Lựu, Tiếng sáo đêm trăng, Hoa độc trong vườn, Người giữ mộ… sẽ nhận thấy sức mạnh trong vở diễn của anh như vết dầu len lỏi, loang dần, chầm chậm, thấm sâu vào lòng người”.
img
NSƯT Minh Vương, NSND Bạch Tuyết, NSND Lệ Thủy trong vở Đời cô Lựu
NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc đánh giá: “Tác phẩm của NSND Huỳnh Nga không hào nhoáng mà mộc mạc, giàu sức nóng như cá tính của ông. Đến hôm nay, công chúng nhớ về thời hoàng kim của sân khấu vẫn phải nhắc đến những đứa con tinh thần đáng nể, cuốn hút hàng triệu trái tim hâm mộ mà dấu ấn đậm nét là tác phẩm Đời cô Lựu… Với ông, kịch bản văn học dù ở bất kỳ thời đại nào thì chất lửa mãnh liệt trong từng số phận cũng đều toát lên hơi thở của thời đại khiến khán giả thổn thức, giới chuyên môn đồng cảm và dư luận đánh giá cao như chính họ đang đối diện với những vấn đề của bản thân mình”.

Luôn được kính trọng, yêu quý

Trong thế giới nghệ sĩ, mỗi khi mái nhà chung “có chuyện” thì NSND Huỳnh Nga xuất hiện và rồi đâu lại vào đấy. “Anh Nga đi sâu vào mỗi cuộc đời của chúng tôi, chia sẻ và động viên như chính người thân trong nhà. Vì vậy mà anh nói thì nghệ sĩ nghe. Anh gợi ý, đúc kết trong diễn xuất, có khi thị phạm nhưng không áp đặt. Nhờ đó mà kích thích nghệ sĩ chúng tôi sáng tạo.
Vai cô Bảy Cán vá của tôi trong vở Đời cô Lựu là nhờ anh Nga gợi ý mà thành. Vở này là thành tựu lớn của sân khấu cải lương miền Nam sau ngày thống nhất đất nước và chúng tôi đã sang Tây Âu biểu diễn theo lời mời của UNESCO tháng 2-1984” - NSND Ngọc Giàu kể.
img
NSƯT Kim Tử Long, Trọng Phúc và Thoại Mỹ trong vở Tìm lại cuộc đời

NSND Bạch Tuyết chia sẻ: “Cùng với Đời cô Lựu, những tác phẩm của ông đã tạo vị trí lớn mạnh cho sân khấu cải lương thời hoàng kim, mà Đời cô Lựu là tác phẩm đỉnh cao đánh dấu chặng đường đưa nghệ thuật nước nhà hòa nhập với đời sống văn hóa toàn cầu. Vở diễn mang tính nhân văn sâu sắc này đã để lại nhiều ấn tượng đẹp và hầu hết các nghệ sĩ, đạo diễn, nhạc sĩ tham gia đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND, như: Viễn Châu, Diệp Lang, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Thanh Hải, Thanh Tòng… Chúng tôi rất trân trọng tài năng của anh Huỳnh Nga”.

Có thể nói, chưa có đạo diễn nào chịu lăn lóc với nghề như NSND Huỳnh Nga. Từ Huế vào đến mũi Cà Mau, ông đã dìu dắt, truyền đạt kinh nghiệm cho rất nhiều nghệ sĩ tài danh. Ông đã hỗ trợ thành lập Liên Chi hội Sân khấu ĐBSCL, đi vào hoạt động lớn mạnh, tạo hiệu ứng rất tốt trong việc phát triển những tác phẩm sân khấu phục vụ khán giả qua chương trình Giai điệu đồng bằng và 2 mùa giải thưởng Trần Hữu Trang lần thứ 11, 12 được tổ chức tại Cần Thơ, Hậu Giang. “Các nghệ sĩ, đạo diễn, tác giả trẻ có dịp lên TPHCM đều phải đến thăm “bố” Nga, để được bảo ban, được tích lũy thêm nguồn sáng tạo mới” - nghệ sĩ Ngọc Nhung, HCV Trần Hữu Trang, diễn viên Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ),  cho biết.

Cả đời làm nghệ thuật

NSND Huỳnh Nga tên thật là Huỳnh Văn Thạch, sinh ngày 15-11-1932 tại huyện Mộc Hóa - Long An. Nhà nghèo, cha đi ở đợ, mẹ nấu rượu mướn, tuổi thơ Huỳnh Nga thèm được cắp sách đến trường nhưng chỉ được học mỗi năm vào 2 mùa lúa. Đến đầu năm 1944, Huỳnh Nga ở đợ cho nhà một ông hội đồng giàu có. Ông hội đồng này tham gia hoạt động cách mạng bí mật. Nhờ hiền lành, nhanh nhẹn, Huỳnh Nga được ông hội đồng giao cho công việc chuyển thư từ, công văn, chủ trương của Đảng từ Long An lên Sài Gòn và ngược lại.
img
NSND Huỳnh Nga và MC Quyền Linh

Thế là Huỳnh Nga đi theo cách mạng từ đó. Người chứng kiến công việc thầm lặng này của ông là cha vợ của NSND Diệp Lang (chồng của bà Tô Huệ), một người có duyên nợ với sân khấu cải lương. Năm 1945, Huỳnh Nga tham gia cướp chính quyền tại huyện Thủ Thừa - Long An. Đến năm 1947, bị lộ bí mật, ông phải vô khu Đồng Tháp Mười làm việc ở Ban Tuyên truyền chính trị Quân khu 8.
“Thời đó, công việc của tôi là bồi giấy, pha màu cho NSND - họa sĩ Hoàng Tuyển. Đến tháng 8-1948, tôi vào Đoàn kịch Khu 8. Vai đầu tiên của tôi là Tốt trong vở Đồng xanh máu đỏ của nhà thơ Bảo Định Giang. Tiếp sau đó là các vở: Miếng sắt cũ, Mưu dân quân... Tôi đã xung phong đi bộ đội, đến năm 1954 tập kết ra Bắc theo Tiểu đoàn 311. Duyên may cho tôi, cuối năm 1956, Đoàn Cải lương Nam Bộ đăng thông báo tuyển diễn viên.
Tôi xin giải ngũ để được sống với “6 câu vọng cổ quê nhà”. Cho đến năm 1957, Trung ương có chủ trương thành lập Đoàn Kịch nói Nam Bộ, tôi và 8 người cùng ngồi bàn bạc để thành lập đoàn, đó là chiếc nôi của kịch nói Nam Bộ trên đất Bắc” - NSND Huỳnh Nga nhớ lại.

NSND Huỳnh Nga nói vui rằng đời ông gắn liền với con số 8: Bắt đầu làm diễn viên năm 1948, cưới vợ vào tháng 8, sinh con đầu lòng cũng trong tháng 8, chính thức chia tay với nghề diễn viên để học đạo diễn tại Romania vào năm 1968. Năm 1972, ông về nước làm chỉ đạo nghệ thuật cho Đoàn Kịch Hà Nội, rồi chủ nhiệm Khoa Kịch nói - Cải lương Trường Trung cấp Nghệ thuật Hà Nội. Tháng 8-1975, ông vào Nam, tiếp tục sự nghiệp dàn dựng cải lương.

“Phong trần theo nghiệp Tổ”

Để vinh danh những cống hiến của NSND - đạo diễn Huỳnh Nga, vào tối 4-4, Hội Sân khấu TPHCM, Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TPHCM, Đài PTTH Hậu Giang sẽ tổ chức chương trình “Làn điệu phương Nam” với chủ đề NSND Huỳnh Nga - Phong trần theo nghiệp Tổ tại Nhà hát TP. Năm trích đoạn cải lương tiêu biểu cho 5 cách dàn dựng qua từng chặng đường làm nghệ thuật của ông sẽ được tái diễn, gồm: Đời cô Lựu, Tìm lại cuộc đời, Tiếng sáo đêm trăng, Muôn dặm vì chồng và Tấm Cám với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSND Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, NSƯT Hùng Minh, Minh Vương, Bảo Quốc, Phượng Loan, Phượng Hằng, nghệ sĩ Hồng Tơ, Minh Nhí, Mỹ Hằng, Kiều Mai Lý, Thanh Thủy, Cát Phượng, Võ Minh Lâm, Ngọc Đợi, Như Huỳnh… Chương trình phục vụ khán giả miễn phí.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo