“Nhiều người trong đội ngũ lồng tiếng giỏi xưa giờ đã đảm đương những công việc khác. Còn theo nghề không còn mấy người như Tuyết Nương, Thùy Dương, Anh Châu, Kim Phụng… Bù lại, cũng có một thế hệ diễn viên lồng tiếng trẻ thay thế” – diễn viên lồng tiếng kỳ cựu Mộng Vân cho biết.
Diễn viên lồng tiếng kỳ cựu Mộng Vân là một trong số ít người trọn đời gắn bó với nghề
Nếu yêu đều có thể làm
Đến giờ, nghệ sĩ hài Mạc Can vẫn nhớ người đã luôn thể hiện rất giống tiếng nói của ông trong nhiều bộ phim trước đó - diễn viên lồng tiếng Văn Ngà - đã về hưu mà người trong giới trìu mến gọi là “chú Ngà - người nói tiếng Mạc Can”.
Thể hiện “y khuôn” hay làm nên chất giọng đặc trưng cho nhân vật không phải ai cũng có thể làm nhưng với “chú Ngà” thì “nói riết rồi quen”. Những “người giấu mặt” góp phần làm nên thành công cho những vai diễn hiện nay còn có thể kể đến Đức Thịnh – từng tạo ấn tượng với vai Bảo Nam của Lương Mạnh Hải trong phim Bỗng dưng muốn khóc, Thiên Bảo - thể hiện các vai của Thành Được, Quách Ngọc Ngoan…, Lý Thanh Thảo - chất giọng đặc trưng trong cả phim Việt lẫn phim Hàn…
Lồng tiếng cho phim đến giờ vẫn chưa được công nhận là một “nghề chính thống” của nghệ thuật thứ bảy, nếu không bắt đầu từ diễn viên thì cũng là “dân tay ngang” có chất giọng, đam mê theo đuổi, rèn luyện và lành nghề. Hiện tại, số lượng “nhóm lồng tiếng” (theo sự hướng dẫn của một trưởng nhóm), tại TPHCM chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay nhưng số lượng diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp lẫn không chuyên không đếm xuể. Không phân biệt tuổi tác, ngành nghề, ai có khả năng thì làm, chỉ làm theo dự án nên không ràng buộc điều gì. Có rất nhiều người vừa lồng tiếng vừa làm nhiều công việc khác.
Trong phòng thu bộ phim Sỏi đá cũng biết yêu của nhóm Đình Tuấn, có những gương mặt diễn viên lồng tiếng trẻ còn đang đi học. “Lồng tiếng phim không có chuyện nộp đơn thi tuyển như nhiều nghề khác. Có nhiều người đam mê quá chịu khó lên phòng thu quan sát, học hỏi hết ngày này đến ngày khác. Ban đầu, tôi cho vào thu thử các vai quần chúng, nếu thấy giọng tốt sẽ dần dần sắp xếp các vai nhỏ, phụ. Nghề này ai có tố chất, đam mê sẽ theo được” - trưởng nhóm Đình Tuấn nói.
Trách nhiệm của “đầu tàu”
Nếu như trên trường quay, “quyền lực và trách nhiệm” thuộc về đạo diễn thì trong phòng thu, trưởng nhóm lồng tiếng giữ vai trò “đầu tàu”, hướng dẫn thoại, biểu cảm cho diễn viên lồng tiếng. Đạo diễn Tường Phương nhận xét: “Có những vai diễn thành công nhờ rất nhiều ở phần thoại sinh động, giàu cảm xúc của diễn viên lồng tiếng. Ngược lại, nếu người lồng tiếng không nắm được cảm xúc nhân vật, diễn biến tâm lý nhân vật sẽ rất chán”.
Tốc độ phát triển của phim truyền hình cũng giúp cho đội ngũ lồng tiếng “ăn nên làm ra”. Một diễn viên lồng tiếng kỳ cựu cho biết: Nếu chọn đội ngũ giỏi nghề, kỹ lưỡng, tiền thù lao cho nhóm lồng tiếng sẽ cao hơn nên nhiều đơn vị tiết giảm kinh phí bằng cách chọn những người mới đảm nhận phần thoại. Nếu thiếu kinh nghiệm, kiến thức thì lắm khi để lại hậu quả là nhân vật con nói chuyện với cha mẹ nghe như… chửi tạt vào mặt. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến cho lời thoại trên phim “khó nghe, khô khan, xơ cứng” mà khán giả vẫn phàn nàn lâu nay.
“Vai trò của người trưởng nhóm phân tích tình huống, giúp diễn viên lồng tiếng tìm được cảm xúc đúng nhất cho nhân vật; điều chỉnh cả lời thoại nếu không phù hợp, nhất là ở những phân đoạn diễn viên nói vượt ra kịch bản. Những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất nếu không nắm được, diễn viên lồng tiếng sẽ dễ làm… hư nhân vật” - diễn viên lồng tiếng Mộng Vân nói.
“Suy cho cùng, mọi sự hay dở thuộc về trách nhiệm của người đứng ở vị trí đầu tàu. Nếu đạo diễn phó mặc phần hậu kỳ cho nhóm dựng, lồng tiếng không có nghề thoại sẽ có vấn đề ngay” – đạo diễn Tường Phương nhận định.
Đảm đương phần hồn của nhân vật Không đơn giản chỉ là đứng trước micro và nói, diễn viên lồng tiếng cũng cần có sức chịu đựng, kiên nhẫn và biết diễn, lắm khi phải la hét, khóc cười như diễn viên mới có thể thoại nhập tâm theo nhân vật. Anh Lê Hiển, nhân viên phòng kỹ thuật lồng tiếng của Trung tâm Tài năng Việt, nói lồng tiếng cho phim Việt Nam là… khó nhất! Diễn viên Mai Thanh Dung, giáo viên trợ giảng khóa lồng tiếng, nói: “Nếu như diễn viên chỉ có được phần xác - ngoại hình thì diễn viên lồng tiếng phải đảm đương cho được phần hồn”. |
Bình luận (0)