Nhà văn Võ Hồng Ảnh: TƯ LIỆU
Hai năm sau, lớp học ấy hoàn thành luận văn và bảo vệ tốt nghiệp ngay tại Nha Trang. Các thầy giáo từ TPHCM ra chấm thi đến thăm và mời ông dự lễ. Đó cũng là dịp đài truyền hình làm cuốn phim về nhà văn, nhà giáo Võ Hồng. Ông cười vui: “Lâu lắm rồi qua mới ăn mặc trịnh trọng đi dự lễ như thế này. Sáng nay, anh đạo diễn còn bắt qua đi dạo ngoài bờ biển để quay phim. Ui chao, từ năm 75 đến giờ qua mới lại ra biển!”.
Trước đó khá lâu, khoảng năm 1985, tôi chọn giúp cho Nhà Xuất bản Cửu Long một tập sách gồm 15 truyện ngắn của các nhà văn miền Nam. Sau nhiều lần đắn đo, giữa hàng chục truyện ngắn của Võ Hồng, tôi quyết định chọn Bên đập Đồng Cháy. Nhưng văn bản mà tôi có từ một tờ báo cũ bị kiểm duyệt cắt mất mấy câu, thế là tôi mạo muội viết thư xin ông bản thảo gốc truyện ấy để đăng nguyên vẹn tác phẩm. Chỉ 10 ngày sau, tôi nhận được thư trả lời: ông bảo Nhẹ hơn cơn gió thoảng mới là truyện ngắn ông thích hơn cả. Nhưng ông vẫn gửi kèm theo bản đánh máy rõ ràng toàn văn truyện Bên đập Đồng Cháy với nhan đề ghi bằng bút chì màu.
Những lần gặp gỡ ngắn ngủi, tôi luôn học được ở ông tính cẩn trọng và chu đáo của nghề viết. Có lần ông hỏi tôi, “em hay viết báo, có bao giờ em giở ra đọc lại những bài báo của mình đăng 10 năm trước không, có bao giờ đọc rồi thấy đỏ mặt không?” Tôi thú thật với ông là có. Thi thoảng, ông nhờ tôi chuyển bản thảo cho một tờ báo hay một nhà xuất bản nào đó. Ngoài những truyện ngắn về tuổi thơ, ông còn viết một loạt bài về chuyện học văn ở nhà trường mà ông bảo tôi đề nghị Báo Yêu trẻ đăng liên tục nhiều kỳ...
Ở miền Nam trước đây, ít có nhà văn nào viết về cuộc kháng chiến chống Pháp vừa chân thực vừa khẳng khái như Võ Hồng. Những kỷ niệm kháng chiến của ông được lưu giữ và thăng hoa trong Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay… Với Võ Hồng, cuộc kháng chiến đó là một vận hội của sự đoàn kết dân tộc lẽ ra không nên bỏ lỡ. Những nhà văn, nhà phê bình ở miền Nam thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau khi nói về tác phẩm của Võ Hồng đều tỏ ra trân trọng suy nghĩ đó của ông.
Có lẽ ít ai biết rằng nhà văn có những đóng góp quan trọng cho văn học hiện đại, nổi tiếng từ những năm 1960, mà sau ngày hòa bình đã được “kết nạp” lại vào Hội Nhà văn Việt Nam. Trong một phụ san của Báo Văn nghệ in danh sách các nhà văn hội viên, Võ Hồng cùng với Sơn Nam nằm trong số những “hội viên dự bị”. Được xếp vào khuynh hướng văn học “yêu nước và tiến bộ” mà sau ngày thống nhất hơn 10 năm, ông mới chính thức “tái xuất giang hồ” với tiểu thuyết Thiên đường ở trên cao.
Nghe tin Võ Hồng tạ thế, Đặng Tiến bảo rằng cần phải có thời gian để giải mã văn chương Võ Hồng. Có lẽ cũng cần phải có thời gian để hiểu con người Võ Hồng, xem đằng sau cuộc đời lặng lẽ, trầm mặc đó có thật là sự an thân, an nhàn hay không; hiểu được tại sao ông chấp nhận dừng chân một chỗ, trụ lại trong tín ngưỡng nghệ thuật của mình, giam mình trong thế giới đó để “hoài cố nhân”.
Bình luận (0)