Ngày 30-3, Báo Người Lao Động có bài viết UBND tỉnh Phú Yên không minh bạch với nhà đầu tư phản ánh việc UBND tỉnh đơn phương điều chỉnh dự án, giao đất, bỏ qua ý kiến của các bộ thẩm quyền, thể hiện sự không minh bạch trong hành xử với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Hiệp Hòa Phát (HHP). Sau khi báo đăng, ngày 3-4, tại TP Tuy Hòa, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với nhà đầu tư về các vấn đề liên quan.
Đánh giá cao nỗ lực, tâm huyết của Hiệp Hòa Phát
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đều đánh giá cao những nỗ lực, tâm huyết của Công ty HHP. Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, đánh giá nhà đầu tư HHP có nhiều cố gắng trong việc xúc tiến đầu tư dự án, quy hoạch này phù hợp ý tưởng của nhà đầu tư và đã được Thủ tướng đồng ý.
Ông Lê Văn Trúc lý giải về việc không thông báo cho HHP biết về điều chỉnh địa điểm của dự án: “Đúng ra UBND tỉnh đã mời Công ty HHP ra để giải quyết chuyện này nhưng vì cận Tết quá nên để qua Tết. Khi qua Tết rồi thì UBND tỉnh có mời nhưng do cả chủ tịch lẫn phó chủ tịch tỉnh đều có công tác đột xuất nên tỉnh phải ra văn bản hoãn lại...”...
“Đẩy doanh nghiệp vào thế chết đứng”
Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Phó Tổng Giám đốc Công ty HHP, bức xúc: “Từ lúc có quy hoạch chi tiết đến nay là 8 tháng chúng tôi mới được mời tới đây để làm việc. Điều bức xúc nhất của doanh nghiệp là cách đối xử của UBND tỉnh đối với chúng tôi. Không phải chúng tôi đơn phương ra đây để xin giấy chứng nhận đầu tư, quy hoạch rồi bỏ đó mà chúng tôi đã có những tập đoàn kinh tế đồng hành cùng chúng tôi suốt 2 năm trời. Thực sự chúng tôi đã rất nghiêm chỉnh thực hiện dự án để rồi hôm nay các vị nói rằng phải giảm quy mô” (UBND tỉnh Phú Yên ra văn bản số 797 ngày 21-3-2013 thông báo chưa thể phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 KCN Hòa Tâm và cảng nước sâu Bãi Gốc; đề nghị Công ty HHP giảm quy mô nghiên cứu quy hoạch - diện tích 450 ha - tại phía Đông Nam của KCN Hòa Tâm và toàn bộ mặt bằng cảng Bãi Gốc để thực hiện các dự án quan trọng của tỉnh - PV).
“Hai năm trời, bao công sức và tốn hàng triệu USD, giờ nói giảm quy mô như vậy, đồng nghĩa là xóa bỏ hết mọi công sức của chúng tôi. Thử hỏi có cơ quan quản lý nào đối xử với nhà đầu tư như thế không?” - bà Nhi đặt vấn đề.
Bà Thảo Nhi cũng cho biết chính HHP đã gặp phía Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô (VRP) để mời họ vào dự án của HHP. Đến khi HHP có quy hoạch chi tiết thì đột nhiên có chuyện đồng ý giao đất trực tiếp cho VRP. “Đã có một cam kết rất lạ giữa tỉnh Phú Yên và VRP, có nghĩa là tỉnh đã làm mọi cách để VRP được giao đất trực tiếp, sau đó mới nói với HHP rằng Thủ tướng đã đồng ý rồi, HHP hãy im lặng mà làm đi. Các vị đẩy doanh nghiệp vào cái thế “chết đứng như Từ Hải” và chúng tôi gọi đó là hành động “ném đá giấu tay” - bà Nhi nói.
Đề xuất UBND tỉnh sớm duyệt quy hoạch 1/2000
Trả lời việc này, ông Phạm Đình Cự nói: “KCN Hóa dầu đã được Thủ tướng phê duyệt rồi, nên bây giờ cơ cấu khu này như thế nào cho phù hợp. VRP không muốn là nhà đầu tư thứ cấp, vì họ nói họ là nhà đầu tư lớn, có điều kiện. Về quy hoạch 1/2000, tôi đồng ý nhưng với điều kiện phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Khi đủ điều kiện, UBND tỉnh sẽ phê duyệt quy hoạch 1/2000. Cái gì làm phiền lòng nhà đầu tư thì UBND tỉnh nhận khuyết điểm. Phần thiệt hại trong việc điều chỉnh này, UBND tỉnh sẽ xem xét bồi thường”.
Ông Đào Tấn Lộc cho rằng do HHP triển khai dự án chậm nên tỉnh không thể để mất nhà đầu tư. Vì vậy, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy thấy đề xuất của UBND tỉnh dời đến địa điểm KCN Hòa Tâm là phù hợp nên đồng ý chủ trương để UBND tỉnh trình Chính phủ. Thường trực Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo UBND tỉnh mời các nhà đầu tư đến để bàn sao cho có lý có tình vì HHP là nhà đầu tư chiến lược sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn về cho tỉnh. Nếu UBND tỉnh mời HHP để trao đổi sớm thì sẽ không có bức xúc của nhà đầu tư.
“Công ty HHP đã đầu tư, tỉnh phải thương thảo bồi hoàn theo quy định pháp luật, nếu thấy không thỏa đáng thì khởi kiện theo quy định pháp luật. UBND tỉnh chậm kết luận về vấn đề này vì cần xử lý cho thấu lý đạt tình, hài hòa lợi ích giữa các bên, làm sao để HHP tiếp tục thực hiện dự án này vì họ có tâm huyết” - ông Lộc yêu cầu.
Nếu tỉnh chọn VRP thì VRP bồi thường Bà Thảo Nhi cho rằng các nhà đầu tư phải được đối xử bình đẳng và khẳng định HHP không đồng ý giảm quy mô đầu tư. “Nếu tỉnh chọn VRP mà đuổi chúng tôi ra thì VRP bồi thường chứ không phải tỉnh Phú Yên” - bà Nhi nói. Ông Lê Văn Trúc lý giải: “Tỉnh cũng nghĩ làm thủ tục xin Thủ tướng, chừng nào Thủ tướng đồng ý mới nói với chị. Không thể chị đồng ý rồi mới xin Thủ tướng”. Bà Nhi chất vấn: “Chúng tôi là đơn vị được phép đầu tư hạ tầng KCN này, chúng tôi bỏ công bỏ sức ra làm. Trong khi tỉnh âm thầm xin Thủ tướng, rồi về giảm quy mô đầu tư, hủy hết công sức của nhà đầu tư thì còn ai dám vào đầu tư?”. |
Bình luận (0)