Thực hiện Nghị quyết 24/2012/QH13 của Quốc hội về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (quy định người bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính, không bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương, không bị đưa vào cơ sở chữa bệnh), cuối năm 2012, Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác đã trả hàng loạt gái mại dâm từ các trung tâm giáo dục xã hội về lại cộng đồng. Tuy nhiên, rất ít người bước đầu “trở về”, phần nhiều chị em quay lại con đường cũ, tệ nạn mại dâm càng khó kiểm soát hơn.
Công khai ngoài đường
Ở khu vực trung tâm TP Hà Nội, hoạt động mại dâm tại ngõ 107 Nguyễn Chí Thanh diễn ra rất tấp nập. Chỉ cần có khách gọi, tài xế xe ôm kiêm bảo kê sẽ kẹp 3-4 gái mại dâm, phóng với tốc độ kinh hoàng để đưa “hàng” đến các quán bar, karaoke, vũ trường, nhà nghỉ.
Nhiều “phố vẫy” khác ở Hà Nội cũng hoạt động nhộn nhịp, công khai, gây nhức nhối dư luận những năm gần đây, như: đường Nguyễn Trãi gần chợ Phùng Khoang (huyện Từ Liêm), đường Giải Phóng gần Bến xe Giáp Bát, khu vực Cố Thổ (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai), xã Tây Mỗ (Từ Liêm)...
Nhộn nhịp ở vũ trường, khách sạn
Báo cáo về công tác phòng chống mại dâm năm 2012, UBND TPHCM nhận định tệ nạn này có nhiều diễn biến phức tạp, biểu hiện dưới nhiều hình thức kinh doanh trá hình, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hoạt động mua bán dâm diễn ra không chỉ tại một số khách sạn, nhà hàng, vũ trường, karaoke mà còn phổ biến qua hành vi khiêu dâm, kích dục ở nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ từ bình dân đến cao cấp, như quán cà phê, tiệm hớt tóc, cơ sở chăm sóc sức khỏe…
Sự phức tạp của tệ nạn mại dâm còn thể hiện ở việc xuất hiện những đường dây gái gọi hạng sang với những diễn viên, người mẫu tham gia bán dâm giá hàng ngàn USD; hiện tượng chào hàng, môi giới mại dâm trên internet, giao dịch qua ĐTDĐ diễn ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, mại dâm có yếu tố nước ngoài và xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm cũng ngày càng tăng.
Ông Lê Văn Quý, Chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, thừa nhận: “Kể từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được thực hiện, tình hình mại dâm ở nơi công cộng và núp bóng trá hình tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội ngày càng có xu hướng công khai và gia tăng. Điều này khiến công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm trên địa bàn TP hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức”.
“Sống chung” với mại dâm Mại dâm từ lâu luôn là nỗi nhức nhối của xã hội. Mỗi năm, ngân sách Nhà nước phải chi hàng chục tỉ đồng để xóa bỏ tệ nạn này nhưng không mấy hiệu quả. Đã đến lúc phải thay đổi cách nhìn nhận về tệ nạn này để có giải pháp quản lý hiệu quả hơn |
Gần một nửa cơ sở dịch vụ vi phạm Khảo sát cho thấy, 61 phường, xã, thị trấn của TPHCM có tệ nạn mại dâm với 103 điểm, tụ điểm, tuyến đường (39 điểm, tụ điểm, tuyến đường hoạt động mại dâm nơi công cộng và 64 điểm nghi có hoạt động mại dâm). Trong năm 2012, các đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội của TPHCM đã kiểm tra 12.342 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 5.334 lượt cơ sở vi phạm; trong đó, 133 cơ sở vi phạm có liên quan đến hành vi khiêu dâm, kích dục.
Công an TPHCM và các quận, huyện phối hợp với ngành LĐ-TB-XH cũng đã tổ chức truy quét 3.375 lượt đối tượng mại dâm nơi công cộng, khám phá 133 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm nơi công cộng, bắt 597 người (311 đối tượng bán dâm, 73 chủ chứa, môi giới và 213 khách mua dâm).
K.Miên |
Kỳ tới: Tủi phận “bướm đêm”
Bình luận (0)