"Việc Bình Nhưỡng cố tình vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, trong đó có cấm phổ biến vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nói.
Triều Tiên đã chính thức bác bỏ nghị quyết ngày 9-3 của Hội đồng Bảo an yêu cầu nước này chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.
Đây được coi là chỉ trích mạnh mẽ nhất của Nga đối với Bình Nhưỡng. Trước đó, Moscow chỉ luôn kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp tình hình.
Ngoài ra, Nga cũng lo lắng trước tuyên bố tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và tái khởi động lò phản ứng Yongbyon. Ông Lukashevich nói hành động của Triều Tiên là “phức tạp, có thể cản trở cơ hội nối lại cuộc đàm phán 6 bên”.
Nga có một phần biên giới ngắn với Triều Tiên ở phía nam thành phố Vladivostok trong vùng Viễn Đông.
Quân nhân Triều Tiên mít tinh hôm 3-4. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, giới phân tích ở Mỹ không tin Triều Tiên đủ khả năng tấn công lục địa Mỹ bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Theo họ, chưa có bằng chứng nào khẳng định Triều Tiên đã thử nghiệm lắp đặt đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm xa, điều mà Mỹ, Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác đã đạt được nhiều thập kỷ trước.
Tên lửa tầm trung của Triều Tiên như Nodong có thể tấn công Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như căn cứ Mỹ ở Okinawa nhưng không thể với tới ngay cả vùng lãnh thổ xa xôi nhất của Mỹ trên Thái Bình Dương. Một tên lửa khác đang được theo dõi chặt chẽ, KN-08, được cho là có tầm bắn xa hơn Nodong nhưng cũng chỉ đến được Guam, Hawaii và Alaska.
Nói cách khác, Triều Tiên có thể tấn công một vài khu vực của Mỹ nhưng không có “cửa” đụng đến lục địa Mỹ và càng không thể bằng vũ khí hạt nhân như lời đe dọa mới nhất “tấn công không thương tiếc Mỹ bằng các phương tiện hạt nhân tối tân” hôm 3-4.
Ông Gary Samore, nguyên cố vấn hàng đầu về hạt nhân cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, nói: “Những đe dọa nhắm vào Mỹ của Triều Tiên có thể chỉ là khoác lác. Khả năng họ sở hữu tên lửa hạt nhân bay được đến Mỹ hầu như không có. Ngay cả khi có, họ cũng không muốn tự sát. Tấn công trực diện Mỹ sẽ là dấu chấm hết cho Triều Tiên”.
Tầm bắn ước tính của một số tên lửa Triều Tiên. Nguồn: BBC
Trong diễn biến nhất, hôm 4-4, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin Triều Tiên đang di chuyển một tên lửa tầm trung đến bờ biển phía đông. Các chuyên gia cho rằng tên lửa trên nhiều khả năng là Musudan, có thể tấn công Guam với tầm bắn 3.000 – 4.000 km, nhưng chưa rõ mục đích của Triều Tiên. Dù vậy, Musudan chưa được bắn thử bao giờ nên không thể xem là nguy cơ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin cho rằng tên lửa trên có thể sẽ được phóng thử hoặc tham gia tập trận nhưng ít khả năng dùng để tấn công lục địa Mỹ.
Bình luận (0)