Nhà chức trách Trung Quốc hôm 5-4 đã cho tiêu hủy hơn 20.000 gia cầm tại chợ nông phẩm Hỗ Hoài ở thành phố Thượng Hải trong bối cảnh số người nhiễm virus cúm A/H7N9 ở nước này đã tăng lên 16, trong đó 6 người đã tử vong.
Gia cầm bị đem tiêu hủy ở chợ Hỗ Hoài hôm 5-4. Ảnh: AP
Phát hiện virus H7N9 ở chim bồ câu
Việc tiêu hủy trên diễn ra sau khi virus H7N9 được tìm thấy trên bồ câu sống bán tại chợ Hỗ Hoài. Nhà chức trách địa phương đã cho đóng cửa chợ Hỗ Hoài và 2 ngôi chợ khác, đồng thời ra lệnh khử trùng những địa điểm này.
Ngoài ra, chính quyền Thượng Hải đã quyết định tạm ngưng mua bán gia cầm sống từ ngày 6-4. Theo Tân Hoa Xã, việc điều tra nguồn gốc của chim bồ câu nhiễm virus đang được tiến hành. Ông David Hui, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, cho rằng bồ câu có thể đã bị lây nhiễm từ gia cầm hoang dã hoặc di trú.
Trường hợp tử vong mới nhất vì H7N9 là một người đàn ông 64 tuổi sống tại thành phố Hồ Châu thuộc tỉnh Chiết Giang. Bệnh nhân này qua đời trong bệnh viện đêm 4-4. 55 người có tiếp xúc với bệnh nhân này hiện chưa có biểu hiện triệu chứng bất thường nào.
Sở Y tế tỉnh Chiết Giang cho biết trên địa bàn tỉnh đến nay đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm H7N9, trong đó 2 người đã tử vong. 13 trường hợp còn lại gồm có 6 ca tại Thượng Hải (trong đó 4 người tử vong), 6 ca tại tỉnh Giang Tô và 1 ca tại tỉnh An Huy.
Các quan chức y tế Trung Quốc tin rằng những người nói trên bị bệnh thông qua việc tiếp xúc với gia cầm nhiễm virus H7N9 và hiện chưa có bằng chứng về sự lây nhiễm dễ dàng từ người qua người của loại virus này.
Dù vậy, giới chức y tế Thượng Hải vào cuối ngày 4-4 cho biết một người tiếp xúc thường xuyên với một bệnh nhân tử vong do nhiễm H7N9 đang được điều trị cách ly sau khi có triệu chứng sốt, chảy nước mũi và ngứa họng. Ngoài ra, hơn 400 người khác có tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm H7N9 vẫn đang được theo dõi chặt chẽ.
Mỹ theo dõi sát sao
Tại Mỹ, Nhà Trắng cho biết đang theo dõi sát sao tình hình dịch cúm H7N9 ở Trung Quốc. Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ đã bắt đầu công việc nghiên cứu vắc-xin phòng khi cần đến. Phải mất từ 5 đến 6 tháng để bắt đầu sản xuất thương mại loại vắc-xin này, nếu cần.
Tuy nhiên, bất kỳ quyết định sản xuất hàng loạt vắc-xin phòng H7N9 phải được xem xét kỹ lưỡng bởi sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất những vắc-xin phòng cúm theo mùa.
Sanofi Pasteur, nhà sản xuất vắc-xin phòng cúm hàng đầu thế giới, cho biết đang giữ liên lạc thường xuyên với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua Liên đoàn Quốc tế các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm (IFPMA) nhưng vẫn còn quá sớm để xác định được mức độ đe dọa của H7N9.
Trong khi đó, theo WHO, các kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy virus H7N9 có phản ứng với việc điều trị bằng các loại thuốc Tamiflu của hãng Roche và Relenza của hãng GlaxoSmithKline. Dù vậy, WHO xác nhận hiện chưa có vắc- xin nào dành cho việc phòng cúm A/H7N9 ở người.
Bình luận (0)