Lao động trẻ tìm việc làm tại Văn phòng Hỗ trợ Việc làm Báo Người Lao Động. Ảnh: CAO HƯỜNG
Đánh tráo khái niệm
Giám đốc các DN lý giải tình trạng “giẫm chân tại chỗ” của lực lượng lao động là do kinh tế khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm, sản xuất cầm chừng. “Muốn tạo thêm 1 việc làm mới phải mất trung bình 50 triệu đồng, trong đó chủ yếu đầu tư ban đầu, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, quảng bá tiếp thị để tìm đầu ra cho sản phẩm mà 1 lao động đó sẽ sản xuất ra, trả lãi vay ngân hàng… Kinh tế sa sút, sức mua kém, hàng hóa không tiêu thụ được thì mở rộng sản xuất, tạo việc làm mới làm gì?”- ông Trương Minh Hòa, Giám đốc Công ty Tân An (quận 12 - TPHCM), phân tích.
Điều đáng lưu ý là hiện nay, mỗi năm, Bộ LĐ-TB-XH đều trình Quốc hội chỉ tiêu kế hoạch và các giải pháp để giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 triệu đến 1,7 triệu lao động. Ở TPHCM thì hằng năm, chỉ tiêu này khoảng 250.000 lao động. Với tình hình kinh tế chưa có dấu hiệu hồi phục như hiện nay thì lực lượng lao động “được giải quyết việc làm” nêu trên sẽ đi đâu, về đâu?
Ông Tạ Quang Hưng, giám đốc một công ty công nghệ thông tin ở quận 12 - TPHCM, băn khoăn: “Hình như người ta đang đánh tráo khái niệm giữa “giải quyết việc làm” và “tạo ra việc làm”. Trong thực tế, tạo ra việc làm mới quan trọng, còn giới thiệu việc làm hay giải quyết việc làm chẳng qua chỉ là phần ngọn của chính sách lao động - việc làm. Vừa qua, các DN tuyển lao động chủ yếu là để bù vào số lao động nghỉ việc về quê, lao động nhảy từ DN này sang DN khác hoặc lao động bị DN thải hồi do không đáp ứng yêu cầu”.
DN giải thể, lao động về đâu?
Cách nay nhiều năm, Chính phủ đưa ra chỉ tiêu đến năm 2010 cả nước có 500.000 DN; trong đó 98% là DN nhỏ và vừa. Đến năm 2010, chỉ tiêu này đã thành hiện thực. Tuy nhiên, sang năm 2012, khi Bộ Kế hoạch - Đầu tư tiến hành rà soát số lượng DN để thu thập số liệu thống kê đầy đủ và thống nhất về số lượng DN hiện có và tình trạng hoạt động trên phạm vi toàn quốc thì kết quả là: Về mặt pháp lý có trên 541.000 DN nhưng trong đó, có gần 93.000 DN không thể xác minh; gần 16.000 DN đã đăng ký nhưng chưa đi vào sản xuất, kinh doanh; gần 24.000 DN tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; hơn 31.000 DN chờ giải thể... Sang quý I/2013, tiếp tục có hơn 13.000 DN dừng hoạt động.
Điều đặc biệt là không có số liệu nào về tình hình lao động của các DN trong khi từ 2008 đến nay, mỗi năm trung bình có khoảng 60.000 DN ngừng hoạt động chủ yếu vì kinh tế khó khăn. Vậy lực lượng lao động ở các DN giải thể này đi đâu, về đâu, cuộc sống của họ như thế nào? Bức tranh lao động - việc làm hiện nay ra sao? Câu trả lời thật khó nếu không muốn nói là không thể! Và như vậy, “Chiến lược quốc gia về lao động - việc làm” còn nhiều điều nan giải.
Thất nghiệp về nhà cha mẹ nuôi! Trong một lần phỏng vấn tuyển dụng lao động, tôi hỏi một ứng viên: “Nếu chẳng may bị mất việc, bạn sẽ làm gì?”. Câu trả lời nhận được là: “Em sẽ về nhà ở với ba má một thời gian để chờ xin việc mới. Em may mắn sinh ra trong gia đình khá giả nên chuyện thất nghiệp không có gì phải sợ đâu ạ”. Đây không phải là trường hợp cá biệt. Phải chăng, dù kinh tế khó khăn, việc làm không đủ nhưng thất nghiệp ở Việt Nam chẳng có gì đáng sợ? |
Bình luận (0)