Huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định hiện là một trong những điểm nóng về vấn nạn tự tử. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm nay, đã xảy ra 5 vụ chỉ vì những chuyện không đâu.
Ông Đinh Văn Niễu xót xa khi kể lại cái chết của vợ
Buồn, giận là treo cổ
Rạng sáng 29-1, bà con trong làng Suối Cát (xã Vĩnh Sơn) phát hiện bà Đinh Thị B. (SN 1968) chết do treo cổ. Theo hàng xóm, bà B. sống cùng mẹ già và một người con trai. Do con trai không chịu làm ăn, suốt ngày uống rượu rồi quậy phá xóm làng, khuyên răn không được, buồn giận, bà B. đã chọn cái chết.
Giận chồng ham chơi bida, gọi hoài vẫn không chịu về ăn cơm, chị Đinh Thị Y. (20 tuổi, đang mang thai 4 tháng, ngụ xã An Hưng) đã uống thuốc trừ sâu tự tử, rất may người nhà phát hiện kịp thời nên Y. đã được cứu sống.
Khi chúng tôi hỏi chuyện về người vợ tự tử cách đây hơn 3 năm, ông Đinh Văn Niễu (73 tuổi, xã An Hòa) rươm rướm nước mắt kể: “Tối hôm đó, sau khi vợ đi khám bệnh về, tôi hỏi thăm bệnh tình, bà buồn bã nói: “Mấy người đi khám bệnh cùng tôi nói cái bệnh khớp của tôi chẳng bao giờ chữa khỏi đâu, càng ngày càng đau thôi”. Nghe vậy, tôi động viên rồi bảo ngủ sớm cho khỏe. Ai ngờ hôm sau, tôi chết lặng khi phát hiện vợ treo cổ chết sau vườn. Bà ấy chết để tôi lủi thủi sống cô độc mà còn khổ hơn cả chết…”.
Trong quá trình tìm tài liệu cho bài viết, chúng tôi còn được biết trường hợp ông Đinh Văn H., nguyên phó bí thư Đảng ủy xã An Quang, tìm đến cái chết vì lý do… không ai hiểu nổi. Sau khi dự đám cưới em vợ về, ông H. vào giường ngủ. Trằn trọc mãi vẫn không chợp mắt được vì vợ xem tivi bên ngoài ồn ào, ông H. bảo vợ tắt tivi nhưng bà vẫn tiếp tục xem do bộ phim Hàn Quốc đang hồi hấp dẫn. Bực mình vì nói vợ không nghe, ông H. lặng lẽ ra vườn sau nhà treo cổ tự tử.
Loay hoay tìm giải pháp
Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, tại 2 huyện miền núi Vĩnh Thạnh và An Lão đã xảy ra 79 vụ tự tử, làm 58 người chết, 21 người được kịp thời phát hiện cứu sống. Tất cả các trường hợp tự tử trên đều là người dân tộc Bana, Hrê. Trước thực trạng trên, cuối tháng 3-2013, Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định đã tổ chức hội thảo khoa học về đề tài “Nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm ngăn chặn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 huyện An Lão và Vĩnh Thạnh”.
Ông Đinh Yang Kinh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Thạnh, cho biết người dân tộc thiểu số vốn tự ái cao, khi gặp chuyện “không ưng cái bụng”, không giải quyết được hoặc bị xấu hổ, nếu có rượu vào, họ liền nghĩ ngay đến cái chết. Còn theo thượng tá Phan Văn Kết, Phó trưởng Công an huyện Vĩnh Thạnh, nguyên nhân chủ yếu của hiện trạng này là do trình độ nhận thức của người dân hạn chế, tính tự ái cao nên khi xảy ra mâu thuẫn thì không có cách giải quyết hoặc một số người bi quan do bệnh tật kéo dài không có tiền chạy chữa, chọn cái chết để giải quyết vấn đề.
Hiện chính quyền địa phương 2 huyện An Lão và Vĩnh Thạnh tỏ ra rất lúng túng trong việc tìm các giải pháp ngăn chặn nạn tự tử. Bên cạnh đó, các cấp hội, đoàn thể ở cơ sở cũng chưa “mặn mà” trong việc tìm hiểu thực trạng này mà coi đó như là một điềm xui xẻo trong cuộc sống.
Chuyện nội bộ gia đình Ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhận định thời gian qua, một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vẫn còn xem vấn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số là chuyện “nội bộ gia đình” nên chẳng mấy quan tâm. Ngoài ra, vai trò của các đoàn thể, các tổ hòa giải ở địa phương còn hạn chế trong việc can thiệp, giúp đỡ, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong cộng đồng, hộ gia đình nên chưa ngăn chặn được vấn nạn này. |
Bình luận (0)