Trước nguy cơ dịch cúm A/H7N9 bùng phát, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) liên tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng gia cầm, sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc.
Gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán, giết mổ tràn lan ở Hà Nội. Ảnh: NGỌC DUNG
Công khai mổ gà trên phố
Tại một số chợ cóc ở quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng (Hà Nội), mỗi ngày có hàng trăm con gà được đưa về đây giết mổ, tiêu thụ. Theo yêu cầu của người mua, gà, vịt, bồ câu, chim cút… được giết mổ, làm lông tại chỗ, thậm chí ngay ven đường hay vỉa hè đông người qua lại. Một số người bán hàng cho biết đây đều là “gà quê”, “gà nhà nuôi” nên không thể nhiễm cúm gia cầm từ Trung Quốc.
Gia cầm chưa qua kiểm dịch được giết mổ, bày bán tại một khu chợ tự phát ở quận Hoàng Mai - Hà Nội Ảnh: NGỌC DUNG
Cảnh giác với chủng cúm khác
Theo BS Hà, đa phần các ca nhiễm cúm thông thường đều tự khỏi nhưng vẫn có một tỉ lệ nhất định gặp diễn biến nặng lên, gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, đe dọa tính mạng người bệnh; nhất là khi các chủng virus cúm gây bệnh đều có dấu hiệu lâm sàng khá giống nhau như ho, sốt cao, khó thở, viêm đường hô hấp, mệt mỏi, đau đầu...
Hoàn chỉnh phác đồ điều trị cúm A/H7N9
Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các nhà dịch tễ đã tìm thấy trong cúm A/H7N9 có chủng cúm H9N2 và H11N9, đồng thời phát hiện đột biến gien của virus cúm A/H7N9 tạo khả năng thích ứng và phát triển trên tế bào của động vật máu nóng và người. Với sự thay đổi này, các chuyên gia dịch tễ lo ngại khả năng lây từ người sang người hoàn toàn có thể xảy ra nếu virus cúm tiếp tục có đột biến. Tuy nhiên, sự thay đổi độc lực theo chiều giảm hay tăng cần quá trình theo dõi và nghiên cứu sâu hơn.
TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết theo thông tin từ Trung Quốc, bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 diễn biến bệnh nhanh, giống cúm A/H5N1 với tổn thương phổi rất nặng. Qua tham khảo ý kiến của giới chuyên môn, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã đưa ra được phác đồ điều trị bệnh cúm A/H7N9. Dự kiến, hôm nay (9-4), Hội đồng Khoa học của Bộ Y tế sẽ thẩm định và thông qua phác đồ điều trị căn bệnh mới này.
Trung Quốc điều chế vắc-xin H7N9 Ông Lương Vạn Niên, Giám đốc Văn phòng Kiểm soát và Phòng chống cúm H7N9 thuộc Ủy ban Sức khỏe và Kế hoạch hóa gia đình quốc gia (NHFPC), ngày 8-4 cho biết Trung Quốc đã bắt tay nghiên cứu điều chế vắc-xin H7N9 nhưng có thể mất từ 6-8 tháng, vắc-xin mới xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, nếu không có chứng cứ cho thấy virus H7N9 lây lan giữa người với người thì sẽ không sản xuất vắc-xin vì hiệu quả kinh tế thấp. Trước đó, Cục Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đã phê chuẩn việc sử dụng Peramivir - một loại thuốc trị cúm mới được cho là hiệu quả đối với H7N9. Trung Quốc xác nhận thêm 3 ca nhiễm virus cúm H7N9 trong ngày 7-4, nâng tổng số người mắc bệnh lên 21, có 6 trường hợp tử vong. Ca mắc bệnh mới nhất là một người đàn ông 55 tuổi, họ Lý, làm nghề buôn bán gia cầm sống ở tỉnh An Huy. Hai ca nhiễm mới khác ở Thượng Hải đều là nam giới, ở tuổi 67 và 59.
M.Nhung |
Bình luận (0)