Những quy định về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) dù đã dự thảo đến lần thứ ba vẫn gây nhiều tranh cãi, phản ứng trong giới khoa học lẫn các nghệ nhân tại cuộc họp lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT vào ngày 11-4.
Muốn được công nhận, phải nộp đến 6 bộ hồ sơ
GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, bức xúc: “Mặc dù hội có hàng chục năm kinh nghiệm phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân nhưng khi xây dựng nghị định, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) không phối hợp gì với chúng tôi, vì thế đưa ra những quy định mang nặng thủ tục hành chính”.
Theo dự thảo nghị định, người được phong tặng danh hiệu “phải có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, cống hiến to lớn”. Ông Vũ Trường Thành, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ, cho rằng đóng góp “to lớn, đặc biệt” là rất trừu tượng, không ai biết được nó là thế nào để mà xét. “Phải cụ thể, nếu không thì không làm được”- ông Thành nhấn mạnh. Cũng theo ông Thành, quy định phải có phim, hình ảnh, giấy chứng nhận bằng khen hoặc huân chương, huy chương… là làm khó nghệ nhân. “Người dân tộc lấy đâu ra ảnh, chữ viết cũng không biết mà đưa ra quy định cứng thế này là tắc, không thể làm được hồ sơ”- ông Thành nói. Chưa hết, dự thảo nghị định đưa ra quy định các nghệ nhân phải nộp tới 6 bộ hồ sơ.
GS Hoàng Chương nhấn mạnh: Cần phải hiểu nghệ nhân dân gian là những người lao động sáng tạo độc lập; họ không thuộc biên chế tổ chức Nhà nước, vì thế, cần đơn giản hóa đến mức có thể về các thủ tục hành chính trong quá trình khai nộp, làm thủ tục xét, tặng. Theo đề nghị của GS Tô Ngọc Thanh, nên cho phép một số tổ chức có trách nhiệm giới thiệu và làm thay hồ sơ cho các nghệ nhân.
Không quan tâm đến quy luật của sáng tạo
Dự thảo nghị định cũng quy định thành viên hội đồng xét tặng danh hiệu chủ yếu là các quan chức, gồm đại diện các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nghệ nhân và nhà khoa học mà bỏ quên yếu tố đánh giá của cộng đồng. GS Đặng Văn Bài, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, khẳng định điều quan trọng của danh hiệu nghệ nhân là cộng đồng phải suy tôn chứ không phải là những cơ quan hành chính Nhà nước. Cơ quan quản lý cấp sở và cấp tỉnh chỉ là nơi giúp nghệ nhân hoàn thành thủ tục xét tặng. “Sự suy tôn của cộng đồng quyết định uy tín và khả năng tiếp tục phát huy của nghệ nhân”- GS Đặng Văn Bài khẳng định.
Tuy nhiên, đó chưa phải là những vướng mắc, khó khăn lớn nhất, những quy định cứng nhắc về điều kiện tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu mới là điều khiến nhiều nghệ sĩ bức xúc. Theo quy định, người phải có thời gian thực hành, phổ biến tri thức, kỹ năng đang nắm giữ từ 20 năm trở lên; phải có giải thưởng, thành tích mới được xét tặng danh hiệu NNƯT. Nghệ nhân quan họ Tạ Thị Hình cho rằng rất nhiều nghệ nhân xuất sắc trong cộng đồng nhưng lại không có bằng khen, giải thưởng chỉ vì tỉnh, huyện không cử họ đi thi, như thế là bất công. Vì thế, khi phong tặng danh hiệu thì điều quan trọng nhất là phải quan tâm đến ý kiến cộng đồng, vì cộng đồng là người hiểu rõ nhất ai đang giữ gìn di sản. GS Tô Ngọc Thanh cho rằng những người soạn thảo nghị định đã không quan tâm tới quy luật của sáng tạo. “Nhiều người trẻ đã thâu tóm được tinh hoa, có nhiều người đã giỏi hơn các cụ, chẳng lẽ họ phải đợi 20 năm mới được công nhận”- GS Thanh nói. Cũng theo ông, việc số hóa, lượng hóa tuổi hành nghề là không ổn vì như thế sẽ bỏ lỡ tài năng nở sớm.
Phải tri ân bằng hành động cụ thể
Sao truy tặng chỉ giới hạn 5 năm ? Trước sự ra đi của rất nhiều nghệ nhân trong thời gian qua, dự thảo này quy định sẽ truy tặng danh hiệu NNND, NNƯT cho các nghệ nhân đã mất trong thời gian 5 năm trước ngày nghị định có hiệu lực. GS Tô Ngọc Thanh đặt vấn đề tại sao việc truy tặng chỉ giới hạn ở 5 năm mà không phải là 10 năm hoặc lâu hơn, như nghệ nhân Cao Văn Lầu, ông là người không thể không nhắc đến của cải lương Việt Nam. Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho hay ban soạn thảo sẽ tiếp thu và trong tháng 4, chậm nhất đầu tháng 5, sẽ hoàn thành bản dự thảo nghị định lần thứ năm và cố gắng trình Chính phủ ban hành trong năm 2013. |
Bình luận (0)