xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khát khô vì hạn nặng

Bài và ảnh: DUY NHÂN - THỐT NỐT

Tại Cà Mau, nhiều động vật nuôi chết khát, còn người dân phải hết sức tằn tiện mới có nước ngọt để dùng. Vùng ngập mặn bây giờ đang vào cao điểm nắng hạn

Mấy tháng nay, gia đình ông Nguyễn Đức Hiền  ngụ ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh - Cà Mau phải mua từng can nước với giá đắt đỏ để sinh hoạt. Chỉ tay về mấy cái ao trong khu vườn nhà, ông Hiền thở dài: “Nắng dữ quá làm cạn khô hết rồi. Cứ nắng thêm một thời gian nữa thì chắc người dân ở đây sẽ không sống nổi. Nước tắm giặt thì có thể thiếu chứ nước để ăn, uống thì không thể không có. Giá nước 68.000 đồng một can 10 lít chúng tôi cũng phải bấm bụng mà mua”.

Đắt cũng không có

Toàn ấp 14 có 142 hộ, lâu nay sống trong cảnh thiếu nước triền miên vào mùa khô hạn dù đã dùng mọi cách để tìm nguồn nước ngầm nhưng vô vọng, khoan xuống hàng trăm mét vẫn chỉ bơm lên được một ít nước màu đỏ, chua và mặn chát nên phải tích trữ thật nhiều nước vào mùa mưa để dùng cả năm. Tuy nhiên, dù đã dùng rất tiết kiệm như lấy nước vo gạo để rửa rau, lấy nước rửa rau để rửa cá… vẫn không đủ nước sinh hoạt.

Trước đây, tỉnh Cà Mau kêu gọi đầu tư được hệ thống nước máy cung cấp nước tận nhà cho người dân ở ấp 14 nhưng đến khi có nguồn nước sạch thì người dân tá hỏa khi phải trả 30.000 đồng/m3. Đa số dân ở đây thuộc diện nghèo, có người thu nhập chưa tới 400.000 đồng/tháng nên rất khó để hằng tháng đóng khoảng 300.000 đồng tiền sử dụng nước. Dù vậy, giá cả bây giờ cũng không còn quan trọng nữa vì đắt cũng không có mà sử dụng.  “Khi khởi công tuyến đường về khu du lịch Vườn Quốc gia U Minh Hạ, đường ống dẫn nước bị tháo dỡ mất rồi. Họ nói chờ khi công trình xong mới lắp đặt trở lại” - ông Tăng Văn Thắng, ngụ ấp 14, cho biết.

img
Thiếu nước ngọt, nhiều hộ dân ở vùng sông nước Cà Mau phải sử dụng cả nước nhiễm phèn và mặn ở kênh rạch

Theo nhiều người dân nơi đây, nếu trong 1 tuần nữa mà vẫn không có nước thì sẽ chết khát bởi những dòng kinh đang cạn dần nước khiến cho ghe chở nước sạch không vào được để bán. Hiện người thì đang cầm cự được nhưng nhiều gia súc, gia cầm đã chết khát. Có hộ, một lúc có 3 con heo chết vì uống phải nước phèn ngoài mương. Gà, vịt thì chết không đếm xuể, hầu như nhà nào cũng có.

Tại xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tình trạng thiếu nước còn trầm trọng hơn. Theo thống kê của UBND xã Biển Bạch, có khoảng 1.000 hộ dân tại ấp Thanh Tùng và ấp 18, trải dọc đôi bờ sông Trẹm thiếu nước sạch sử dụng triền miên. Bà Trần Thị Hai (68 tuổi, ngụ ấp Thanh Tùng) nhìn ra con sông Trẹm mênh mông sóng nước, nói: “Sông Trẹm luôn đầy nước nhưng không sử dụng được. Vậy nhưng, cũng nhờ con sông này mà chúng tôi không bị chết khát vì đó là con đường duy nhất để người ta vận chuyển nước ngọt từ nơi khác tới bán”.

Tính toán chi li

Nắm bắt nhu cầu của người dân, một số gia đình có ghe lớn đã trang bị máy bơm rồi trải bạt nhựa vào lòng ghe, chở nước ngọt từ nơi khác về bán. Do phải lấy nước ngọt ở xa hàng chục km nên giá nước sạch liên tục tăng vọt. Mùa khô năm ngoái, giá nước ngọt vào khoảng 30.000-35.000 đồng/lu (khoảng 800 lít) nhưng mùa khô năm nay đã là 45.000-50.000 đồng/lu. Những ngày nắng nóng vừa qua, giá nước có khi lên tới 60.000 đồng/lu. Giá nước lên cao quá nên một số hộ có phương tiện đã tự đi vận chuyển nước về dùng nhưng đường xa mà xuồng nhỏ, chở không được nhiều nên tính ra chi phí xăng dầu còn cao hơn là bỏ tiền ra mua.

Ông Lâm Bảo Diễn (ngụ ấp 18) kêu ca: “Quần quật ngoài đồng cả ngày mà chỉ dám tắm một lần vào xế chiều, nếu làm về sớm thì kiếm chỗ nào đó tám chuyện cho hết thời gian chứ lỡ tắm trước sợ nực, đổ mồ hôi tắm nữa sẽ tốn nước”.

Đối với những hộ nghèo, việc sử dụng nước luôn được tính toán hết sức chi li. Nhà bà Trần Thị Út chỉ có 2 cái lu, một cái chứa nước mưa để dành nấu ăn, cái còn lại để chứa nước ao rồi dùng vôi lắng phèn, dùng để tắm lại sau khi tắm nước mặn. “Người lớn chịu đựng quen rồi. Thương nhất là tụi nhỏ, da non, tắm nước nhiễm phèn bị ngứa, gãi đỏ hết mình mẩy, ban đêm nằm trằn trọc hoài” - giọng bà Út buồn buồn.

Thợ khoan giếng chào thua

Ông Phạm Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch, cho biết: “Vùng Biển Bạch tựa lưng vào rừng tràm, đất đai nhiễm phèn nặng. Do cấu tạo địa chất nên trước tới giờ chưa ai khoan được giếng nước. Đã có hàng trăm hộ thuê khoan giếng nhưng không dùng để nấu ăn được do nước ngầm nhiễm phèn, mặn. Thợ khoan giếng nước nghe tới vùng Biển Bạch là chào thua. Kêu khoan có nước ngọt trả giá hàng trăm triệu đồng cũng không ai dám làm. Trước đây, người dân địa phương thường đào ao trữ nước mưa để dùng trong mùa khô nhưng bây giờ ao cũng nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn nên phải quay qua trữ nước ngọt bằng lu, khạp. Tôi tin chắc cả nước Việt Nam không đâu có nhiều lu chứa nước bằng xã này”.

Với giá nước sinh hoạt như hiện nay, nhiều hộ dân ở xã Biển Bạch,  huyện Thới Bình - Cà Mau dè sẻn lắm cũng phải mất 30.000 đồng tiền nước/ngày trong khi tiền gạo chỉ hết 15.000 đồng.
 

Vụ hè thu bị đe dọa

Tình trạng xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến 6.000 ha lúa, hoa màu và nước sinh hoạt của  hơn 7.000 hộ dân của tỉnh An Giang, đặc biệt là những nơi tiếp giáp tỉnh Kiên Giang

Ông Bùi Văn Đẳng, ở xã An Cư, huyện Tịnh Biên - An Giang, cho biết hiện cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn do các giếng nước sắp trơ đáy. Để có được một can 30 lít nước, ông phải thức dậy từ rất sớm, đi bộ khoảng 2 km mới đến được giếng có nước. Đến nơi còn phải ngồi canh nước rỉ ra từng giọt nên mọi người trong gia đình phải tuân thủ triệt để việc tiết kiệm nước. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, mùa khô năm nay đến sớm hơn mùa khô năm 2012 khoảng 1 tháng. Do đó, tình trạng xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến 6.000 ha lúa, hoa màu và nước sinh hoạt của hơn 7.000 hộ dân ở những nơi tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang, như huyện Thoại Sơn và Tri Tôn.

Ông Đỗ Vũ Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết hiện nhiều kênh rạch đã kiệt nước hoàn toàn. Nước ở các trạm bơm chính lẫn trạm nội đồng đều thấp hơn cùng kỳ năm 2012 khoảng 0,1 m trở lên. Mực nước xuống thấp cộng với hệ thống kênh mương bị bồi lắng sẽ gây khó khăn cho sản xuất vụ hè thu tới. Tỉnh có nhu cầu phải nạo vét trên 600 công trình kênh mương nội đồng với tổng kinh phí 320 tỉ đồng nhưng do tình hình cấp bách nên các địa phương phải triển khai khẩn trương 150 công trình kênh nội đồng, khu vực nông thôn sâu bị cạn kiệt nhất, với tổng kinh phí 164 tỉ đồng. Riêng 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên được ưu tiên nạo vét kênh để bảo đảm nguồn nước cho các trạm bơm vùng cao.

Còn theo thống kê của Chi cục Thủy lợi An Giang, do nắng hạn kéo dài và có khả năng cuối tháng 5 mới kết thúc nên số dân chịu ảnh hưởng trực tiếp lên đến hơn 500.000 người.

Tình trạng khan hiếm nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở tỉnh Kiên Giang cũng không kém phần gay gắt. Hiện người dân ở các huyện như An Biên, An Minh, U Minh Thượng… đang trong cao điểm thiếu nước.

Anh Nguyễn Văn Bình, ở ấp Vàm Xáng, xã Đông Hưng B, huyện An Minh, cho biết do nước ở đây đã bị xâm nhập mặn nên không thể phục vụ cho việc tưới tiêu, trồng trọt. Thường mỗi ngày có khoảng 1-2 chiếc ghe chuyên chở nước ngọt đến bán với giá 22.500 đồng/m3 hoặc 50.000 đồng/lu nhưng cũng có ngày chẳng thấy chiếc ghe chở nước đến bán trong khi nguồn nước mưa dự trữ đã hết sạch từ lâu. Nắng nóng quá gay gắt nên gần 1 ha vuông tôm mới thả của gia đình anh đã chết sạch.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, lượng nước của các kênh, rạch chỉ đạt mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm trước và đang xuống thấp dần. Với diễn biến bất thường như vậy, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp chống hạn như: khơi thông luồng lạch, tháo dỡ các vật cản trên kênh, nạo vét các ụ máy bơm, tăng cường máy bơm, tu sửa bờ vùng, bờ thửa... nhằm hạn chế thất thoát nước… với tổng vốn đầu tư khoảng 228 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, cho biết mặc dù đã chủ động triển khai các giải pháp phòng chống hạn nhưng do là khu vực đầu nguồn cộng với lượng mưa ít, các kênh rạch không tích trữ được nước nên khả năng đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ hạn nặng, ảnh hưởng một số diện tích lúa hè thu ở các huyện biên giới, đầu nguồn như Tân Hồng, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Huyện ủy An Minh - Kiên Giang, cho biết do khô hạn, nước mặn xâm nhập cộng với biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch quá lớn nên đã gây thiệt hại cho hơn 4.500 ha tôm nuôi của nông dân trong huyện.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo