Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) chuẩn bị thảo luận lần cuối dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi để “chốt” lại, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới. Hiện nay, các cơ quan báo chí và chuyên gia kinh tế còn rất băn khoăn về thời hạn áp dụng mức thuế suất ưu đãi cho các cơ quan báo chí cũng như mức khống chế trần quảng cáo là 15% tổng chi phí doanh nghiệp khiến cho nguồn thu của báo in giảm đáng kể.
Cần áp dụng từ ngày 1-7
Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, ông Lê Xuân Sơn, cũng cho rằng đã có một thời gian dài, báo in phải chịu thuế suất thuế TNDN 28% và 25% như một doanh nghiệp bình thường, dẫn đến tình trạng nhiều tờ báo phải xoay xở tìm cách cân đối thu chi, phải “vượt rào” đi theo xu thế thương mại hóa, thị trường hóa. Hiện nay, báo in cũng đang trong tình trạng khó khăn như doanh nghiệp, vài năm nay, chi phí đầu vào như điện, giấy, lương... liên tục tăng nhưng đầu ra là phát hành không tăng được do các cơ quan, cá nhân cắt giảm chi phí mua báo, chuyển sang đọc báo điện tử và các phương tiện khác. “Đại đa số báo in đều gặp khó khăn về tài chính, nếu được giảm thuế xuống 10%, cần xem xét áp dụng sớm để giảm gánh nặng cho các tờ báo” - ông Lê Xuân Sơn đề xuất.
Ở góc độ nhà đầu tư tài chính, ông Trần Bá Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho rằng báo chí là sản phẩm văn hóa nên báo chí hoạt động không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận mà còn thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao. Do đó, cần áp thuế suất ở mức phù hợp để các cơ quan báo chí hoạt động tốt. Đối với nhà đầu tư, thu thuế - phí cao sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, kéo theo nguy cơ giảm sản lượng bán hàng. Còn đối với báo chí, tăng giá bán sẽ khiến công tác phát hành chật vật hơn, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị của tờ báo vì số người tiếp cận với thông tin sẽ ít đi.
Không nên áp trần quảng cáo
Một vướng mắc khác của dự thảo Luật Thuế TNDN đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và đối tượng chịu tác động (doanh nghiệp) là vẫn khống chế chi phí khuyến mãi quảng cáo. Theo luật hiện hành, mức trần áp dụng cho khuyến mãi quảng cáo là 10% tổng chi phí doanh nghiệp và dự thảo chỉ “nới” lên 15%. Đối với doanh nghiệp, việc khống chế trần quảng cáo sẽ ảnh hưởng ngay đến khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu là những yếu tố xác định sự lớn lên của một doanh nghiệp.
Còn đối với báo in, việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu vì nguồn thu chính của báo in là quảng cáo. Hiện nay, có đến 90% quảng cáo được doanh nghiệp thực hiện qua kênh báo chí. Theo Bộ Tài chính, thời gian vừa qua, hoạt động phát hành của hầu hết cơ quan báo chí bị lỗ và phải lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù đắp. Riêng các báo in trong năm 2011 tính cả hoạt động phát hành và hoạt động quảng cáo cũng bị lỗ.
Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết tổng doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí năm 2012 đạt 18.600 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2011 nhưng chủ yếu tập trung vào các đài truyền hình, phát thanh. Trong đó, tổng doanh thu quảng cáo của báo in chỉ đạt 1.600 tỉ đồng, giảm 8% so với năm 2011. Tình hình tài chính khó khăn khiến nhiều cơ quan báo in phải giảm kỳ xuất bản, giảm số lượng phát hành.
Việc áp dụng chính sách ưu đãi hơn đối với báo in đã từng có tiền lệ. Từ năm 2003 trở về trước, các cơ quan báo in được cấp lại phần tiền thuế TNDN thực nộp vào ngân sách Trung ương để đầu tư cơ sở vật chất. |
Bình luận (0)