xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Qua Trung Quốc làm “chui”

Bài và ảnh: TUẤN MINH

Theo lời “cò”, nhiều người vượt biên sang Trung Quốc làm thuê và đối mặt với nhiều rủi ro như bị bóc lột sức lao động, trộm cướp, buôn người...

Gần đây, tình trạng người dân tỉnh Thanh Hóa, nhất là ở huyện Quảng Xương, sang Trung Quốc làm thuê diễn ra khá phổ biến. Hàng ngàn người vì nghe theo lời dụ dỗ lương cao, công việc nhàn hạ... đã vay mượn tiền đóng cho “cò” lao động để thực hiện ước mơ đổi đời.

Cả ngàn lao động qua tay “cò”

Theo số liệu của Công an huyện Quảng Xương, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 1.000 người sang Trung Quốc làm thuê thông qua các nhóm môi giới. Trong đó, xã Quảng Nham nhiều nhất với 579 người; kế đến là Quảng Chính 150 người, Quảng Thạch 148 người... Hơn 90% lao động sang Trung Quốc làm việc ở các lĩnh vực: khai thác hầm mỏ, đánh bắt cá, sản xuất gỗ, đồ nhựa… Điều đáng lo ngại là trong số những lao động “chui” trên có rất nhiều lao động trẻ em. Có những gia đình cả vợ chồng đều xuất ngoại, bỏ lại con cái cho ông bà. Cũng có những gia đình đến 3-4 người đi. Họ bất chấp nguy hiểm, rủi ro chỉ cốt để kiếm tiền.
 
img
Một góc xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương - Thanh Hóa, nơi có gần 600 người sang Trung Quốc làm “chui”
(ảnh lớn) và “cò” Nguyễn Thị Tuyết bị bắt về hành vi tổ chức đưa người sang Trung Quốc trái phép (ảnh nhỏ)

Xã Quảng Nham hiện có trên 3.000 hộ dân với 14.000 nhân khẩu. Đất chật, người đông, lao động dư thừa, việc làm không có, hoàn cảnh nghèo khó... là những nguyên nhân buộc người dân chọn con đường đi lao động “chui”. Ông Hoàng Xuân Ngư, trưởng thôn Tiến, xã Quảng Nham, cho biết cả thôn có 42 lao động đang làm việc ở Trung Quốc, trong đó có 5 gia đình quanh năm đóng cửa vì vợ chồng cùng đi. “Không có việc làm, nhà nghèo nên họ mới đi làm thuê, làm mướn nơi xứ người. Ngay cả con gái tôi cũng đang làm ở bên đó, đi “chui” thôi” - ông Ngư phân trần.

Tại xã Quảng Thạch, trước đây còn có nghề làm muối nhưng 2 năm trở lại đây, nghề này không còn khiến hàng trăm lao động thất nghiệp. 148 người dân của xã theo các đường dây môi giới sang Trung Quốc làm thuê trái phép cũng vì lý do này.

Khắc nghiệt, hiểm nguy

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nằm lọt thỏm giữa vườn thuốc lào đang đến mùa thu hoạch, chị Lê Thị Tý ở thôn Thạch Ngọc, xã Quảng Thạch, kể lại chuyến sang Trung Quốc để rồi phải gánh món nợ không biết bao giờ trả xong. Cuộc sống gia đình luôn túng quẫn, làm không đủ ăn, 2 con của chị phải bỏ học. Đúng lúc đó, người dân trong xã kháo nhau có bà Tuyết về đưa người sang Trung Quốc làm thuê, lương cao. Như bắt được vàng, chị Tý đi vay mượn khắp nơi, thậm chí vay lãi ngày và bán một số vật dụng trong gia đình, gom đủ 15 triệu đồng đưa cho người này để chị và 2 con cùng sang Trung Quốc. Đến khi “cò” Tuyết bị công an bắt giữ vì tội lừa đảo thì chị Tý mới biết mình bị lừa. Giờ đây, món nợ cho chuyến đi xuất khẩu lao động “đứt gánh giữa đường” đè nặng lên vai 3 mẹ con chị.

Qua lời kể của những người trở về sau một thời gian làm việc ở Trung Quốc, chúng tôi được biết công việc làm thuê của lao động Việt Nam không như “cò” quảng cáo. Họ phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nặng nhọc như làm gạch, bốc vác, chăn nuôi, khai thác mỏ..., luôn đối mặt với nhiều rủi ro. Chưa kể, nếu bị công an phát hiện, bắt giữ thì coi như công sức bỏ ra trở thành... công cốc. Thêm vào đó là nạn trộm cướp, trấn lột, tai nạn lao động luôn rình rập. Đặc biệt, chị em phụ nữ luôn là mục tiêu để bọn buôn người dòm ngó, đưa vào các ổ mại dâm hoặc bắt làm vợ lẽ cho người bản xứ. Thực tế đã xảy ra một số trường hợp như thế.

Ông Phạm Hồng Thái, Trưởng Công an xã Quảng Nham, nói: “Dù biết hiểm nguy nhưng vì miếng cơm manh áo nên người dân vẫn cứ đi. Chính quyền địa phương luôn trăn trở về tình trạng này và đã ra sức tuyên truyền cho bà con nhận thấy những tác hại, hậu quả của việc sang Trung Quốc làm thuê trái phép”.
 

Bắt nhiều đối tượng

Thời gian qua, Công an huyện Quảng Xương đã triệt phá một số đường dây, bắt giữ các đối tượng đưa người trái phép sang Trung Quốc. Điển hình là ngày 25-3, Công an huyện Quảng Xương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Tuyết (SN 1970, trú xã Quảng Thạch) về hành vi tổ chức đưa 53 người ra nước ngoài trái phép. Mới đây nhất, ngày 9-4, tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam Đỗ Văn Sáu (SN 1969, trú xã Quảng Chính) về hành vi tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo