Dù đã được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện (BV) Bạch Mai - Hà Nội nhưng bệnh nhân H.X.K (23 tuổi, ngụ Yên Bái) đã tử vong vào sáng 18-4 sau hơn 1 tuần điều trị. Các kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân này tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 với biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, suy đa tạng.
Liên tiếp nhiều ca bệnh
Ngày 3-4, bệnh nhân K. có biểu hiện sốt, đau đầu, nhức mỏi nên đã tự mua thuốc hạ sốt, cảm cúm uống. Tuy nhiên, thấy mệt nhiều nên ngày 5-4, bệnh nhân đến một BV ở tỉnh Phú Thọ khám và được chẩn đoán viêm phổi. Ngày 8-4, bệnh nhân khó thở nặng nên đến Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai điều trị và được chuyển tiếp đến Khoa Điều trị tích cực do suy hô hấp.
Đáng lưu ý là trong số 5 người nhà chăm sóc bệnh nhân này thì có 3 trường hợp bị sốt, ho, mệt mỏi đã được chuyển điều trị tại Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai. Hiện tất cả người nhà của bệnh nhân K. đã được xuất viện.
Trong khi đó, tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngoài 3 bệnh nhân cúm A/H1N1 nhập viện cách đây 1 tuần đang được điều trị cách ly, BV này cũng tiếp nhận thêm một bệnh nhân nam nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, một người đàn ông hơn 40 tuổi ở Yên Bái cũng đã tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 sau 2 ngày nhập viện điều trị.
Bệnh diễn tiến nhanh
Theo TS-BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, thời gian gần đây, số bệnh nhân tới khám do cúm tăng khoảng 10% so với trước. Hiện BV đang điều trị 4 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, trong đó có 2 người là mẹ con; người con bị nhiễm cúm trong quá trình chăm sóc mẹ. Phần lớn bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, đã có biến chứng.
Bác sĩ Phạm Thế Thạch, Khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai, cho biết trong số bệnh nhân cúm điều trị tại đây thì trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện khá muộn, được điều trị bằng thuốc kháng virus Tamiflu nhưng đáp ứng rất kém.
Bác sĩ Kính cho rằng dù chưa phát hiện hiện tượng virus cúm biến đổi gien, gây bệnh cảnh nặng hơn nhưng người dân không nên chủ quan.
Lo virus cúm biến đổi
Các bác sĩ cũng cảnh báo việc xuất hiện các chùm ca bệnh hay bệnh nhân là nhân viên y tế cũng có thể có nguyên nhân do sự chủ quan trong quá trình tiếp xúc, thăm khám người bệnh. Với những ca bệnh nhẹ, người bệnh có thể tự cách ly tại nhà 3-5 ngày hoặc khi hết sốt nhưng với những trường hợp nặng thì nên đến cơ sở y tế để được điều trị. Thuốc kháng virus Tamiflu có hiệu quả tốt nhất trong 3 ngày, từ khi có biểu hiện bệnh. Nhiễm cúm “thường” H1N1 dù được đánh giá là độc lực không cao như cúm A/H5N1 nhưng vẫn gây nên những bệnh cảnh nặng dẫn đến tử vong, đặc biệt là có thể gây bệnh nặng ngay cả với người trẻ, được coi là có thể lực tốt.
PGS-TS Phạm Ngọc Đính, nguyên phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho rằng điều lo ngại nhất trong thời điểm này là virus cúm biến đổi, thích nghi với môi trường sống nên nguy cơ biến chủng, tái tổ hợp và gây dịch là rất cao.
Ninh Thuận xem xét công bố dịch ở đàn chim yến Đến tối 18-4, UBND tỉnh Ninh Thuận mới nhận được văn bản của Bộ NN-PTNT hướng dẫn xử lý đàn chim yến bị nhiễm cúm A/H5N1 theo quy trình công bố dịch. Chiều cùng ngày, Ninh Thuận đã tiêu hủy toàn bộ đàn chim non và trứng tại cơ sở Thanh Bình. Cơ sở này cũng đã thu gom toàn bộ số tổ trong nhà chim để gửi kiểm dịch. Trong một diễn biến khác, cơ quan thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết đã xuất hiện đàn vịt nhiễm cúm A/H5N1 tại một hộ dân ở huyện Ninh Sơn. Cùng ngày, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã làm việc với lãnh đạo các sở, ngành về việc triển khai các công tác phòng chống dịch bệnh. TPHCM đã phát hiện đàn vịt 11 con của một người dân kinh doanh trái phép tại quận Bình Tân có nhiễm virus cúm A/H5N1 và đã tiêu hủy. Trong khi đó, Bộ Y tế cũng đã tổ chức hội nghị tập huấn phòng chống cúm A/H7N9 tại TPHCM.
L.Trường-S.Nhung-N.Thạnh |
Trung Quốc: 17 người chết vì cúm A/H7N9 Chính quyền Trung Quốc đang điều tra về khả năng lây truyền từ người sang người của virus cúm A/H7N9, đồng thời thông báo đã có ít nhất 17 người chết và 82 người nhiễm virus này. Hãng tin Reuters dẫn thông báo hôm 17-4 của Giám đốc Trung tâm Cấp cứu thuộc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh Trung Quốc (CDPCC) Phùng Tử Kiện: “Chúng tôi đặc biệt chú ý đến những nhóm bệnh nhân cùng gia đình, phân tích sâu để xem liệu sự lây lan có chuyển đầu tiên từ gia cầm sang người và sau đó từ người sang người hay không”.
L.Nguyễn |
Bình luận (0)