Dám làm dám chịu!
Bàn luận thêm về “văn hóa từ chức”, bạn đọc lấy tên Già Nhà Quê, cho rằng: “Chuyện "khuất tất"của ông Khiêu có hay không tôi xin miễn bình luận vì nói phải có chứng cớ, chứ phán đoán, đánh giá hiện tượng có khi trật lất. Điều mà tôi hoan nghênh là ông Khiêu đã dám nộp đơn từ chức. Hãy nhìn vụ việc này trong bối cảnh cỡ cán bộ cấp xã mà còn ôm cứng ghế, chống chế tới cùng mới chịu buông ra, nói chi cái ghế cao nhất tỉnh. Mong rằng ông Khiêu là người nổ phát súng tiên phong về "văn hóa từ chức” cho mấy "đày tớ của dân" xem đó mà noi theo”.
Nhìn nhận về việc làm của ông Khiêu, bạn đọc Nông dân, phân tích: Từ chức vì tự thấy mình làm không được việc hoặc không còn uy tín và lòng tin trong dân cũng là việc đáng được tôn trọng. Nên đánh giá tích cực hơn về thái độ của ông chủ tịch Trần Khiêu, bởi hiện không ít quan chức có những việc làm không tốt, bị dư luận lên án, phê phán nặng nề, nhưng họ quyết bám cho được cái ghế, tìm mọi cách khỏa lấp sai phạm để tồn tại, bất chấp xã hội và người dân có tôn trọng mình hay không. Họ không sợ ai “nói ra nói vào” về việc làm của họ. Từ vụ việc của ông, chúng ta ít nhất cũng có một trường hợp chủ tịch một tỉnh viết đơn xin từ chức. Một sự kiện quả thực xưa nay hiếm”.
Lý giải thêm vấn đề, bạn đọc lấy tên Anh Ba cho rằng: “Nếu thật sự mối quan hệ giữa ông Khiêu - bà Ly trong sáng và bà Ly thật sự bị trù dập nhưng với tư cách là phó bí thư kiêm chủ tịch UBND tỉnh nhưng không bảo vệ được cán bộ của mình thì phải xem lại bản lĩnh chính trị của ông. Còn nếu giữa ông và bà Ly có quan hệ như đồn đoán thì thật sự ông không còn uy tín để nói trước dân. Tóm lại nguyện vọng xin nghỉ sớm của ông là cần được ủng hộ”.
Xử lý cán bộ khó thật
Tổ chức phản động hoạt động bí mật lén lút nhưng công an điều tra ra ngay. Buôn lậu tinh vi nhưng cũng khó qua mắt được lực lượng chức năng... Thế nhưng những sai phạm của cán bộ, nhất là cán bộ lớn thì thật là khó điều tra dù sự việc diễn ra rành rành. Dư luận đặt vấn đề cần phải rạch ròi: Nếu cán bộ sai thì phải có biện pháp xử lý. Nếu xin từ chức vì lý do riêng thì là vấn đề cá nhân. Đừng để đến khi cán bộ sai phạm thì lại lấy lý do riêng xin từ chức nhằm tránh bị xử lý.
Bạn đọc Thanh Thanh, cho biết: “Ông ấy xin nghỉ hưu sớm nghe thật nhẹ nhàng, thanh thoát và cũng rất... khéo. Nếu như cán bộ của ta, bất kể cấp bậc nào làm sai thì tùy mức độ sai phạm mà kỷ luật, cho dù có xin "rút lui" hay bị buộc thôi giữ chức thì khi đó pháp luật sẽ thể hiện được tính nghiêm minh và sự sai phạm có thể sẽ ít hơn. Đừng xử lý theo kiểu người dân sai thì làm rất nghiêm, còn cán bộ sai thì “hạ cánh an toàn”.
Gay gắt hơn, bạn đọc Vũ Đình Kiên chỉ thẳng: Vấn đề công chức lạm quyền và xử lý vi phạm của công chức thì không phải bận tâm, bàn bạc nữa vì có như thế nào thì cũng được bao biện, lấp liếm để giữ thể diện và uy tín. Thiệt thòi vẫn là người dân khi phải đóng thuế để nhà nước trả lương cho những công chức thiếu năng lực, biến chất, lạm quyền, "rất hạn chế về đạo đức".
Thái độ tốt trước sai lầm của bản thân “Xét về phương diện quan hệ thì ông Khiêu quá tốt với bà Ly. Nhưng rốt cục ông cũng làm được cái điều mà mọi người mong đợi là tự xin từ chức. Đó là một thái độ tốt trước những sai lầm của mình. Còn lý do xin từ chức như ông đưa ra thì chúng ta nên bỏ qua, miễn bình luận” - bạn đọc Hồng Lê. “Người ta biết sai và tự nguyện xin từ chức rồi còn gì, tôi đánh giá cao ông Khiêu là người tự trọng biết sai và sửa sai. Chuyện sai lầm trong cuộc sống ai cũng vấp phải. Nếu là chuyện riêng tư, tình cảm cá nhân thì cũng không cần phải truy tới cùng. Chừng nào người ta gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội thì lúc đó mới cần xử lý rốt ráo” - bạn đọc Thanh Hà. |
Bình luận (0)