Nghệ sĩ Minh Béo kêu gọi mọi người cảnh giác với trang Facebook giả mạo (Ảnh chụp từ màn hình)
“Mạng xã hội có tính tương tác cao nên thông tin của nó tạo ra hiệu ứng mà ít có phương tiện truyền thông nào làm được. Thực tế, nhiều vụ việc bắt nguồn từ mạng xã hội, các cơ quan báo chí đã khai thác tốt, phát triển thành những tin, bài thời sự và chất lượng. Nắm bắt thông tin trên mạng xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể hiểu dân tình hơn, sâu sát thực tế hơn, đồng thời khắc phục yếu kém để quản lý hiệu quả. Nhờ thông tin, hình ảnh, video clip chia sẻ trên mạng xã hội, cơ quan điều tra cũng có thể rút ngắn được quá trình phá án...” - luật sư Ngô Đình Hoàng, Đoàn Luật sư TPHCM, nhận xét.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng có nhiều mặt trái tiêu cực. Nhiều trang cá nhân trở thành nơi phát ngôn bừa bãi, vô tội vạ. Nhiều người đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ để đả kích, bôi xấu, xúc phạm người khác... Khi đó, mạng xã hội như một “bức tường công cộng” mà người ta có thể “dán” lên đó vô số thông tin, hình ảnh về đời tư cá nhân, xúc phạm nhân phẩm người khác.
Nguy hiểm hơn, có người còn dùng mạng xã hội để đưa những thông tin sai lệch, trái pháp luật, trái với các quy tắc đạo đức của xã hội, trái thuần phong mỹ tục nhằm làm tổn hại uy tín, danh dự của một cá nhân hay đơn vị, tổ chức nào đó. Mạng xã hội cũng đem lại những hệ luỵ mà nếu người tham gia không đủ bản lĩnh và tỉnh táo, họ sẽ rước họa vào thân.
“Chúng tôi luôn nhận thấy những mặt tích cực cũng như tiêu cực của mạng xã hội. Vấn đề đặt ra là chúng ta sử dụng mạng xã hội như thế nào để có thể phát huy hết những điều tích cực của nó. Mỗi người nên biết cách diễn đạt tâm tư, tình cảm, thái độ của mình để đừng làm cho người khác phải lâm vào hoàn cảnh khó xử. Chúng ta hãy thật cẩn trọng với mạng xã hội, đừng bao giờ xem nó như là một công cụ vô hại để rồi muốn làm gì thì làm” - luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch phân tích.
Từ góc độ pháp luật, các luật sư cho rằng mạng xã hội, nhất là Facebook, luôn là nơi thật - ảo khó lường. Dù ảo nhưng mạng xã hội vẫn được nhiều người dùng thể hiện trên đó hoặc xem nó như cuộc sống thực tế, với đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố. Không ít người bỏ bê công việc, học hành, sinh hoạt để đắm chìm với những lời tâng bốc, tán dương ảo, hoang tưởng bản thân là cao siêu kỳ vĩ, rồi khi gặp chuyện không như ý ngoài đời thì lại “trút hận” lên mạng xã hội bằng những ngôn từ, hình ảnh thiếu văn hóa...
Hiện có 2 văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của mạng xã hội: Nghị định 97 năm 2008 của Chính phủ và Thông tư 14 năm 2010 của Bộ Thông tin - Truyền thông, chưa kể Luật Công nghệ thông tin, Luật Báo chí và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. |
Bình luận (0)