Thượng úy Trần Ngọc Sâm ngắm ảnh vợ con treo trong phòng làm việc của anh
Giữa cái nắng chói chang của Trường Sa những ngày tháng 4, tấm ảnh người mẹ bồng con treo trong phòng làm việc của người lính khiến ai thấy lòng dịu lại. Đó là vợ con của thượng úy Trần Ngọc Sâm, quê ở Thái Bình, đang làm việc tại đài radar đảo Đá Tây.
Thượng úy Sâm có 17 năm làm lính biển, trong đó 5 năm ở các đảo Trường Sa. Với anh, việc yêu và cưới thật nhanh và “cơ động” là đúng chất lính. Anh và vợ yêu nhau chỉ vỏn vẹn vài tháng rồi cưới. Ngày anh ra đảo làm nhiệm vụ, chị Trần Thị Nguyên, mới mang thai. Anh kể: “Ngày vợ sinh, tôi cứ nôn nao trong dạ nhưng đúng giờ trực không biết làm sao. Đến khi gia đình gọi điện thoại thông báo vợ sinh con trai, mẹ con đều khỏe mạnh, tôi mừng quá hét lên. Giờ nhớ lại còn thấy lòng lâng lâng”.
Khi anh về phép thì con trai đã 9 tháng tuổi. “Phải mất 1 tuần thằng con mới quen hơi ba. Đến khi quen rồi thì cháu suốt ngày quấn lấy, chẳng chịu rời một bước” - anh nhớ lại. Đến nay, con trai Trần Huy Phúc của anh đã 2 tuổi rưỡi, đã biết gọi điện thoại, lặp lại lời mẹ, dặn ba giữ gìn sức khỏe để chiến đấu bảo vệ biển đảo quê hương.
Suốt hành trình ở đảo, tôi đã kịp nghe nhiều chuyện tình lính đảo qua những bức thư hay cuộc điện thoại mà chưa lần gặp mặt. Thế nhưng, những hậu phương ấy vẫn thủy chung, son sắt chờ đợi để làm nên câu chuyện tình hết sức lãng mạn và có hậu.
Hậu phương vững chắc
Khi biết tôi ở TPHCM ra, trung tá Hoàng Văn Thắng, Chính trị viên Trại Radar 11 tại đảo Trường Sa Lớn, rất mừng rỡ. Ông khoe: “Con gái lớn của tôi đang học năm thứ 3, Trường Đại học Tôn Đức Thắng ở TPHCM. Tôi đã đến trường đó rồi, to và đẹp lắm”. Mắt ông long lanh khi nhắc đến con gái.
Vợ ông là đại úy văn thư bảo mật Trung đoàn Phòng không không quân 292 và nhận trách nhiệm “hậu phương vững chắc”, chăm lo cho 2 con để ông an tâm chiến đấu. “Tuy xa nhưng ngày nào tôi cũng gọi điện thoại về hỏi thăm chuyện học hành của con. Tôi thường xuyên đi vắng nên mọi việc ở nhà đều trông cậy vào vợ. May mắn là tôi có một người vợ đảm đang, quán xuyến hết việc trong ngoài, nuôi dạy con ngoan ngoãn” - ông tự hào.
Hơn 15 năm làm lính biển, thượng úy Nguyễn Văn Tráng, quê Thanh Hóa, đang làm việc tại Phòng Thông tin đảo Trường Sa Đông, đã có 8 năm ở Trường Sa. Anh Tráng có con trai lớn 8 tuổi và con gái nhỏ 5 tuổi. “Cả 2 đứa đều rất bụ bẫm, xinh xắn. Con trai lớn tuy mới 8 tuổi nhưng rất tự giác, biết giúp đỡ mẹ khi bố vắng nhà. Cháu được như vậy là nhờ sự rèn luyện của mẹ, một cô giáo tiểu học”- anh khoe.
CHUẨN ĐÔ ĐỐC LÊ MINH THÀNH, PHÓ TƯ LỆNH QUÂN CHỦNG HẢI QUÂN VIỆT NAM: Chấp nhận hy sinh Đời lính biển rất khó khăn, gian khổ, đặc biệt là phải thường xuyên xa nhà. Vì thế, ai yêu và lấy lính biển là chấp nhận hy sinh. Những chiều thứ bảy, nhiều người đưa vợ con đi chơi, dạo phố thì lính biển vẫn mải mê với nhiệm vụ nơi khơi xa, trong khi người vợ quê nhà bền dạ nuôi con. Tuy nhiên, dù xa nhau về địa lý nhưng họ rất gần nhau về tình cảm. Đó là những câu chuyện tình vô cùng đẹp. |
Bình luận (0)