Rút kinh nghiệm về mãi lực trong thời gian gần đây, dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, các doanh nghiệp (DN) phân phối, bán lẻ, các cửa hàng quần áo thời trang… tại TPHCM đã tổ chức khuyến mãi đậm. Tuy nhiên, theo nhiều điểm bán hàng, lượng khách có tăng nhưng không nhiều.
Khách hàng mua sắm tại Co.opmart Đinh Tiên Hoàng sáng 29-4. Ảnh: HỒNG THÚY
Tăng thấp hơn kỳ vọng
Ngày 29-4, mới 10 giờ nhưng khu thực phẩm tươi sống chợ Bình Hưng (huyện Bình Chánh - TPHCM) đã vắng khách. Đa số tiểu thương “đại hạ giá” để dọn dẹp về sớm. Anh Linh, bán thịt bò, cho biết từ cuối tuần đến nay, khách đi chợ đông hơn ngày thường nhưng anh chỉ dám lấy hàng bằng ngày thường, bán hết sớm về sớm chứ không dám “ôm” nhiều. “Mấy tháng nay chợ ế quá, lễ này nhiều người buôn bán tạm nghỉ về quê hoặc đi chơi nên những sạp còn lại bán được” - anh Linh cho biết.
Tại các chợ An Đông (quận 5), Vườn Chuối (quận 3), nhiều tiểu thương cũng cho biết mãi lực chỉ khá hơn ngày thường đôi chút. Tuy nhiên, sức mua tăng không đều, đa số khách chỉ tập trung mua các mặt hàng để chế biến món ăn tiệc như thịt heo, bò, gà, tôm, mực, cua, các loại rau, trái cây… Giá các mặt hàng thủy hải sản chỉ tăng nhẹ 5.000 - 10.000 đồng/kg lúc sáng sớm, sau đó trở lại mức giá bình thường (tôm sú 180.000 - 210.000 đồng/kg, mực ống 170.000 - 190.000 đồng/kg…).
Ghi nhận tại các siêu thị, trung tâm điện máy trong 3 ngày qua, lượng khách có tăng so với ngày thường. Tuy nhiên, với mức đầu tư cho khuyến mãi rất đậm trong đợt nghỉ lễ này nên doanh thu mang lại cho các siêu thị, trung tâm điện máy chưa phải là cao. Đại diện hệ thống siêu thị Citimart cho biết trong 2 ngày cuối tuần, doanh thu tăng khoảng 30%, một phần do người dân bắt đầu nghỉ lễ, một phần do đang có chương trình khuyến mãi.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Maximark Cộng Hòa, cũng cho biết lượng khách đến siêu thị khá đông nhưng doanh thu chỉ tăng khoảng 40% so với ngày thường. Nguyên nhân do một bộ phận khách hàng đến siêu thị để… chơi, trốn nóng chứ không phải để mua sắm.
Tại siêu thị Co.opmart, BigC, lượng khách cũng khá đông (trung bình mỗi siêu thị đón khoảng 8.000 lượt khách/ngày). Được mua nhiều nhất là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm và ưu tiên hàng có khuyến mãi. Hàng may mặc, gia dụng... ít được chọn mua.
Trông chờ 2 ngày tới
Để đẩy sức mua đang rất ì ạch, các nhà bán lẻ bắt tay với nhà cung cấp đang tung ra nhiều chương trình khuyến mãi “khủng”, áp dụng trên các mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng và các chương trình tăng tích lũy điểm cho khách hàng thành viên, khách hàng VIP. Tại nhiều siêu thị, không chỉ giảm giá đến 49% cho hàng ngàn mặt hàng, nhiều mặt hàng còn được áp dụng “mua 1 tặng 1”, “mua 2 tặng 1” hoặc vừa giảm giá vừa khuyến mãi giảm tiếp 20% (một số loại dầu ăn).
Tại các cửa hàng quần áo thời trang, điện thoại di động… cũng treo khuyến mãi giảm giá 15% - 20%, có nơi treo bảng giảm giá đến 50% nhưng hầu như không có khách.
Không lo tăng giá sốc Theo các nhà bán lẻ, từ đầu tháng 4, siêu thị có nhận được đề nghị tăng giá của một số nhà cung cấp. Hiện các siêu thị chưa chấp nhận tăng giá mà chờ sau lễ sẽ ngồi lại với nhà cung cấp để tính toán mức tăng hợp lý nhất hoặc không tăng. Trường hợp tăng giá cũng sẽ yêu cầu nhà cung cấp có biện pháp hỗ trợ để người tiêu dùng không bị sốc. Theo lãnh đạo các siêu thị, giá xăng vừa giảm tiếp 301 đồng/lít, hy vọng sẽ có tác động giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí giá thành. “Thị trường èo uột, cung hàng quá nhiều trong khi cầu quá thấp nên bài toán giá thành đối với các nhà sản xuất, kinh doanh - đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ - là cực kỳ căng thẳng nên không lo doanh nghiệp tăng giá vô lý” - giám đốc một siêu thị phân tích. |
Bình luận (0)