Ảnh: MAI NGUYỄN
Gồng mình gánh phí
Thời điểm tăng lương tối thiểu mới của Malaysia áp dụng từ ngày 1-1. Tuy nhiên, trước yêu sách của giới chủ, chính phủ Malaysia đã phải điều chỉnh, cho phép những DN điều chỉnh tăng lương từ 546-598 ringgit (RM)/tháng lên 800-900 RM/tháng (1 RM khoảng 7.000 đồng) từ thời điểm trên được phép chuyển nộp thuế thu nhập lao động nước ngoài (thuế levy) sang lao động nước ngoài. Quyết định này khiến lao động Việt Nam làm việc ở lĩnh vực nhà máy và xây dựng bị khấu trừ mỗi năm thuế levy 1.250 RM; lao động dịch vụ bị trừ 1.850 RM, lao động trang trại 590 RM và giúp việc gia đình 410 RM. Thêm vào đó, NLĐ còn bị thu tiền nhà ở với mức tối đa 50 RM/tháng và tiền vận chuyển vào nhà máy làm việc. Khoản tiền bảo hiểm lao động bắt buộc từ 72-200 RM/lao động trước đây được DN đóng thì nay cũng chuyển sang NLĐ.
Dựa trên kết quả khảo sát vào tháng 3 tại 13 DN có lao động Việt Nam đang làm việc tại các bang Johor Melaka, Penang và Negari Sembilan, Ban Quản lý Lao động Việt Nam nhìn nhận việc khấu trừ thuế, phí bị các DN của Malaysia thực hiện rất tùy tiện. Điều đáng nói là bên cạnh các khoản thuế levy, tiền nhà ở, tiền chuyên chở đi làm bị thu vô tội vạ, tất cả NLĐ tại 8 DN áp dụng tăng lương mới đều bị cắt hết các khoản trợ cấp chuyên cần, trợ cấp ăn, trợ cấp làm ca…
Lương tăng nhưng thu nhập giảm
Theo Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Malaysia, vì bị khấu trừ quá nhiều khoản thuế, phí và bị cắt các khoản phụ cấp nên thu nhập của lao động Việt Nam được trả theo mức lương tối thiểu mới ở Malaysia trên thực tế chỉ tăng khoảng 5%-10%, trong khi thời gian làm thêm giờ, tăng ca giảm xuống. Thiệt thòi nhất là những lao động nhập cảnh Malaysia sau ngày 1-1-2013. Những người này bị DN vận dụng quy định mới, chỉ trả 70% lương tối thiểu (gọi là trợ cấp học nghề) trong suốt thời gian 6 tháng đầu của hợp đồng. Nếu trừ tiền thuế levy và tiền nhà ở trong thời gian này thì lương của NLĐ còn thấp hơn mức lương tối thiểu cũ 21-23 RM/ngày như trước đây.
Ban Quản lý Lao động Việt Nam cho rằng cách thức thực hiện trả lương tối thiểu, việc tùy tiện thu phí của các DN nảy sinh nhiều bức xúc của NLĐ do quyền lợi không được như trước, dẫn đến tình trạng đình công, lãn công xảy ra ở nhiều nhà máy. Chính sách trên cũng đang tác động tiêu cực đến tâm lý của lao động Việt Nam sang Malaysia. Theo báo cáo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH, trong 3 tháng đầu năm 2013, cả nước chỉ đưa được 2.492 lao động sang Malaysia. Do những bất ổn thị trường, số lao động sang Malaysia dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới, thậm chỉ đến cuối năm.
Đàm phán, bảo vệ người lao động Hội đồng Tư vấn Tiền lương quốc gia Malaysia cho biết dự kiến đến cuối tháng 4-2013 nhận được khoảng 5.000 đơn của DN có sử dụng lao động nước ngoài đề nghị hoãn thời hạn áp dụng mức lương tối thiểu mới từ ngày 1-1-2013. Trong đó, đến hết tháng 3, có 635 DN được chấp thuận, cho phép dãn thời gian áp dụng vào ngày 1-1-2014, số còn lại bị từ chối. Dựa trên tình hình thực tế, Hiệp hội XKLĐ Việt Nam đề nghị các DN XKLĐ cần chủ động đàm phán với đối tác không áp dụng trừ tiền thuế levy và tiền nhà ở ít nhất trong 6 tháng thử việc đối với NLĐ mới sang. Đối với lao động Việt Nam tại các DN được dãn thời điểm thực hiện lương tối thiểu mới, các DN XKLĐ phải chủ động làm việc với các đối tác để bảo đảm việc làm, thu nhập như trước đây, tránh có những phản ứng tiêu cực, vi phạm pháp luật Malaysia. |
Bình luận (0)