Được nghỉ lễ dài ngày, tôi về nhà Thành, người bạn thời đại học ở huyện Đồng Phú - Bình Phước. Có khách TP xuống, hàng xóm của Thành cũng kéo qua ngồi hàn huyên với chúng tôi. Một người gợi ý đãi khách “đặc sản” quê hương. Thế là, khi trời vừa sụp tối, Thành cầm đèn pin rủ tôi và một số người trong xóm cùng đi ra vườn điều lấy… “đặc sản”.
Khám phá ve sầu lột xác
Mùa ve sầu thường bắt đầu từ đầu tháng 2 âm lịch, khi xuất hiện những cơn mưa sớm, đến khoảng tháng 5 âm lịch thì kết thúc. Quá trình ve sầu lột xác từ ấu trùng thành ve trưởng thành diễn ra rất ngắn. Ấu trùng ve sầu thường chọn thời điểm chạng vạng tối để từ những lỗ dưới đất chui lên, tìm đến các gốc cây bám vào. Sau khi cố định trên thân cây, chúng bắt đầu quá trình tách mình khỏi lớp vỏ ban đầu.
Khi mới lột xác, thân ve sầu rất mềm. Sau khi lột xác xong, thân và cánh ve sầu xanh biếc, trông rất đẹp nhưng rất dễ bị tổn thương, nhất là khi dính nước. Chính vì vậy, chúng không bao giờ lên khỏi mặt đất và lột xác nếu trời mưa. Để có thể bay và kêu, chúng phải đợi thêm khoảng 30 phút nữa cho thân và cánh khô cứng lại.
Tùy vào khu vực sinh sống, ấu trùng ve sầu có thể trú ngụ sâu dưới đất từ 1 năm cho đến vài năm nhờ hút nhựa từ rễ cây. Khi đủ lớn, chúng đục đất leo lên các thân cây để lột xác, tìm bạn tình, giao phối xong đẻ trứng trên thân, lá cây. Khi trứng nở, ấu trùng ve rơi xuống đất, tự đào hố ở ẩn và lại bắt đầu quy trình mới. Trái ngược với thời gian sống dưới lòng đất, thời gian sống trên cây của ve sầu khá ngắn, chỉ trong khoảng 2 tháng hè.
Theo Thành, để ăn đúng loại ve sầu ngon, phải bắt con vừa lột xác, cánh tơ mới nở. Vì vậy, thời gian đi săn thường bắt đầu từ khoảng 18 giờ 30 phút đến 19 giờ. Nếu đi trễ, cánh ve sầu đã khô cứng, ăn không ngon.
120.000 đồng/kg
Sau khi săn được kha khá ve sầu, Thành đem về làm sạch, chiên đãi khách. Nhìn những con ve màu vàng óng nằm trên đĩa, mùi thơm phức tỏa ra khắp nhà, tuy thòm thèm nhưng tôi vẫn tỏ ra e ngại. Đem chuyện 4 người ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị ngộ độc sau khi ăn ve sầu mới đây ra kể, mọi người nghe xong bật cười.
Một người hàng xóm tên Tâm khẳng định: “Người dân ở đây đã nhiều năm bắt ve sầu ăn, có thấy ai chết đâu? Món này ông ra chợ Đồng Xoài mà coi, dân làm rẫy đem bán 120.000 đồng/kg lận”. Tuy nói thế nhưng Tâm cũng thừa nhận vài năm trước ở xã Tân Hòa (huyện Đồng Phú), sau khi ăn ve sầu, một số người bị dị ứng, ngứa, nổi mày đay khắp cơ thể và có triệu chứng đau bụng.
Tâm cho biết muốn không bị ngộ độc ve sầu, phải làm thật sạch. Sau khi bắt về, phải ngâm ve sầu vào thau hoặc xô nước muối khoảng 20 - 30 phút, tiếp đó vặt cánh, dùng nước sôi rưới qua một lần nữa, rửa lần cuối bằng nước lạnh rồi mới chiên.
Theo ông Nguyễn Quang Trung (cán bộ Viện Khoa học Lâm nghiệp miền Nam), ve sầu vô hại đối với người nhưng ảnh hưởng đến các loại cây như: điều, cà phê, tràm bông vàng... do chúng thường chích thân để hút nhựa trong cây. Vì vậy, vào mùa ve sầu, người trồng điều, cà phê… thường bắt chúng nhằm bảo vệ cây trồng, cải thiện bữa ăn cho gia đình. Đối với xác ve bám trên cây, nhiều vị lương y còn tìm cách thu mua để bào chế thuốc chữa bệnh. Cũng theo ông Trung, nếu bị dị ứng do ăn ve sầu thì lấy những con ve đã lộc xác vừa bắt được đem nướng thành tro, sau đó hòa với nước uống vào sẽ không còn.
Ve sầu là vị thuốc Ve sầu có tên khoa học là Cryptotyrn pân japonica Kate. Trong đông y, ve sầu có tên là trách thiền, xác ve sầu gọi là thiền thoái. Xác ve sầu còn lành nguyên, mềm, nhẹ và sạch là thứ tốt. Những xác cứng, giòn, màu chè nâu là thứ xấu. Khi dùng ve sầu rửa sạch, phơi khô, bỏ đầu, cánh, chân. Xác ve sầu có chất kitin (7,86%). Ngoài ra, người ta chưa phát hiện nó có những hoạt chất khác. Theo y học cổ truyền, ve sầu có vị ngọt, mặn, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, làm mát. Thiền thoái được dùng chủ yếu làm thuốc trấn kinh trong những trường hợp trẻ em sốt cao, lên kinh giật, khóc đêm không ngớt. Ngoài ra, thiền thoái còn được dùng làm thuốc thúc những nốt đậu, sởi chóng mọc ra ngoài và nó cũng có mặt trong nhiều đơn thuốc chữa cảm mạo, ho mất tiếng, chữa kinh phong và viêm tai giữa. Xác ve sầu là một vị thuốc thường dùng trong y học cổ truyền, không độc và không có phản ứng phụ nguy hiểm. Trường hợp bị ngộ độc do dùng xác ve sầu có thể là do chúng dính thuốc trừ sâu chưa phân hủy hết hoặc dùng nhầm phải xác các loài côn trùng khác có độc.
Lương y Vũ Quốc Trung |
Bình luận (0)