Bộ Công an vừa có văn bản trả lời cử tri các tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng và Quảng Ngãi xung quanh nội dung chất vấn liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) chưa đạt hiệu quả cao.
Theo Bộ Công an, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCTN trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCTN. Trước mắt có thể xem xét sửa đổi điều 7 Luật Báo chí theo hướng Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và Thủ trưởng CQĐT các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Năm 2012, khi dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến có quy định “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng” lập tức gặp phải những ý kiến không đồng tình vì không phù hợp với điều 7 Luật Báo chí. Cơ quan thẩm tra dự án luật này là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi đó cũng không đồng tình và đề nghị xử lý vấn đề nhằm tránh mâu thuẫn với Luật Báo chí.
Tại hội thảo “Bảo vệ nguồn tin: Pháp lý và đạo đức báo chí” do Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức vào tháng 10-2012, nhiều nhà báo đến từ các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã đồng loạt cho rằng việc bảo vệ nguồn tin là nguyên tắc cơ bản nhất trong đạo đức nhà báo. Đối với thể loại báo chí điều tra, chống tham nhũng, tiêu cực thì nguồn tin là số 1; không có nguồn tin, người cung cấp thông tin thì nhà báo không thể có những loạt bài điều tra tốt. Sau đó, Thanh tra Chính phủ - cơ quan soạn thảo - đã rút bỏ quy định này trước khi trình Chính phủ đưa ra Quốc hội phê duyệt.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 2-5, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho rằng điều 7 Luật Báo chí hiện hành phù hợp với nhiều thông lệ, quy định quốc tế trong hoạt động, quan hệ giữa nhà báo, cơ quan báo chí và nguồn tin. “Khi cung cấp thông tin cho nhà báo, nguồn tin luôn yêu cầu phải giữ kín thông tin về mình thì mới cung cấp. Nếu thực hiện như đề xuất của Bộ Công an thì báo chí sẽ mất hết nguồn tin, không ai dám cung cấp nữa” - ông Hậu nhìn nhận.
Theo quy định hiện hành, báo chí có quyền đăng tải thông tin theo nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của những thông tin đó. “Thẩm quyền của CQĐT đã quy định rất rõ trong Pháp lệnh về điều tra và Bộ Luật Tố tụng Hình sự, không thể điều chỉnh cả trong Luật Báo chí được” - ông Hậu bày tỏ.
Luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho biết sẽ có ý kiến với Thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác về vấn đề này. Vì nếu quy định như Bộ Công an đề xuất thì không ai cung cấp thông tin cho báo chí nữa.
Điều 7 Luật Báo chí quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”. |
Bình luận (0)